Định mức chi phí tái chế sẽ được quy định theo hướng hợp lý, thực thi tái chế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
TTXVN - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo định mức chi phí tái chế để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Theo đó, định mức chi phí tái chế sẽ được quy định theo hướng hợp lý, thực thi tái chế hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo Dự thảo, định mức chi phí tái chế bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì áp dụng hệ số điều chỉnh (hệ số thể hiện hiệu quả tái chế). Sản phẩm, bao bì có hiệu quả tái chế cao có hệ số điều chỉnh thấp và ngược lại. Chi phí quản lý hành chính nhằm phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, được trích lại 3% từ mức đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải.
Dự thảo được xây dựng với quan điểm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức và tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường và định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, định mức chi phí tái chế phải bảo đảm các chi phí hợp lý, hợp lệ; tạo động lực cho nhà sản xuất, nhập khẩu thay đổi thiết kế, sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường và chủ động tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì; bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ công nghệ tái chế sản phẩm, bao bì thực tế và phản ánh đầy đủ, đúng thực tế các chi phí tái chế sản phẩm, bao bì trong nước; nghiên cứu, tham khảo và chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế có cách tiếp cận tương đồng với Việt Nam…
Để xây dựng Dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập nhóm chuyên gia tư vấn, phối hợp chặt chẽ các nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái chế của Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức điều tra, khảo sát thực tế tái chế và chi phí tái chế sản phẩm, bao bì thực tế tại 72 cơ sở tái chế chất thải trên cả nước; nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan tổ chức nhiều hội thảo tham vấn rộng rãi để góp ý cho đề xuất định mức chi phí tái chế và có Công văn gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan; đăng tải toàn văn Dự thảo và hồ sơ kèm theo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự thảo; đồng thời, xin ý kiến của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình Thủ tướng Chính phủ./.