Ban soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý hữu ích nhằm nghiên cứu, tham khảo, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để sớm trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch (tháng 2/2024).
TTXVN - Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở tiếp thu, lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương, ngày 8/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Họp Tổ biên tập Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cho biết, thời điểm này là giai đoạn rất quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản, khắc phục những tồn tại, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là những yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Dự thảo có những quy định để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nhất là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường có thể tổ chức thực hiện công tác quản lý, phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng có những quy định nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Trung ương và địa phương liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cũng như lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, việc hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là công việc trọng tâm trong năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Thứ trưởng mong muốn, tại cuộc họp này, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý hữu ích nhằm nghiên cứu, tham khảo, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để sớm trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch (tháng 2/2024).
Tổng hợp kết quả tiếp thu ý kiến Dự thảo Luật của các bộ, ngành địa phương liên quan, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, bên cạnh việc kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (gồm 13 Chương và 132 Điều) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Nội dung được các bộ, ngành địa phương góp ý nhiều nhất gồm: Phạm vi sử dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản...
Các bộ, ngành địa phương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật nội dung liên quan đến hoạt động “chế biến và xuất khẩu khoáng sản”; quy định về "hoạt động chế biến khoáng sản" để thuận lợi trong công tác quản lý khoáng sản.
Đồng thời, các bộ, ngành địa phương đề xuất Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần quy định rõ về việc cho phép sử dụng khoáng sản đi kèm, phân cấp trong công tác bảo vệ tài nguyên, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, bổ sung, làm rõ các chính sách, mục tiêu về bảo vệ môi trường… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác./.