Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 hướng đến mục tiêu chung nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
TTXVN - Ngày 6/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải ở Việt Nam". Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, chuyên gia độc lập về kinh tế tuần hoàn.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phát triển kinh tế thay thế cho cách tiếp cận kinh tế tuyến tính trước đây. Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê sơ bộ trên thế giới cho thấy, đến nay, ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình. Kể từ năm 2020, khái niệm này đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142). Tại Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 trước ngày 31/12/2023. Do đó, Hội thảo là cơ hội để Viện tham vấn các ý kiến đóng góp của chuyên gia trong xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035; đặc biệt là đối với nội dung quản lý rác thải, rác thải nhựa.
Tại Hội thảo, đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến chất thải tại Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035; thực trạng rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam; thách thức và cơ hội trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại các cộng đồng địa phương; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam; chuyển đổi năng lượng xanh: quan điểm toàn cầu và định hướng cho Việt Nam.
Tiến sỹ Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết, Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 hướng đến mục tiêu chung nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, thực hiện các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu theo các năm; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng, chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu gom, tái chế rác thải (EPR) có 2 nội dung chính gồm: Trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý. Đối với trách nhiệm tái chế, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức là tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Đối với trách nhiệm xử lý, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính đối với trường hợp sản phẩm, bao bì, bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam./.
- Từ khóa:
- Kinh tế tuần hoàn
- rác thải
- môi trường
- epr
- phân loại rác