Xã hội

Kinh tế tuần hoàn - Hướng đi cho phát triển bền vững

Vĩnh Long

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với các quốc gia.

Chủ tọa Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Ngày 25/10, tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Cần Thơ và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn - Hướng đi cho phát triển bền vững”.

Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn được đề cập vào năm 1990 với mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều có thể là đầu vào đối với thứ khác”. Khi nhu cầu về nguyên liệu, nước và năng lượng ngày càng tăng do cả sự gia tăng dân số và gia tăng trong sản xuất, các hoạt động của nền kinh tế tuần hoàn có khả năng giải quyết một phần đáng kể nhu cầu này, làm giảm hoặc có thể đảo ngược sự gia tăng sử dụng tài nguyên, hạn chế biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Bùi Quang Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với các quốc gia. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới bền vững lâu dài. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có nhiều tiềm năng nhưng cũng đang gặp phải không ít thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và nguồn tài nguyên, nguyên liệu thiên nhiên có xu hướng ngày càng giảm. Thực tiễn đó đòi hỏi việc thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn được những phương thức phát triển mới để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh mới.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, và mô hình này sẽ là công cụ thiết thực giúp ích cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ và trao đổi về kinh tế tuần hoàn với sự phát triển bền vững, các nguyên lý, mô hình kinh tế tuần hoàn, nguồn lực để phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đề xuất các hàm ý chính sách góp phần thực hiện hiệu quả kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Chia sẻ về “Mô hình kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu điển hình từ tiếp cận doanh nghiệp”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng, giúp các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi từ nguồn cung nguyên liệu, giảm nguyên liệu thô, tăng nguyên liệu tái chế, từ đó tạo ra lợi nhuận mới…

Tuy nhiên, rào cản quan trọng của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn là doanh nghiệp không có khả năng tự thân triển khai quy trình tái chế và tái sử dụng các sản phẩm đầu ra của mình. Trong khi đó, rào cản khách quan khi thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, khoa học công nghệ, tài chính… để phát triển kinh tế tuần hoàn chưa rõ ràng và chưa hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, kinh tế tuần hoàn là xu thế, là một trong nhiều cách thức, mô hình kinh tế để phát triển và để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cần có thêm các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số… để bổ trợ.

Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật khuyến khích thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình để thực hiện kinh tế tuần hoàn từ vi mô (doanh nghiệp) đến vĩ mô (khu, cụm công nghiệp, vùng, tỉnh…), trong đó, doanh nghiệp chính là động lực là trung tâm. Ngoài ra, cần khuyến khích khởi nghiệp trên cơ sở tài nguyên bản địa, từ rác thải, từ đó hình thành, phát triển các thị trường tái chế, thị trường nguyên vật liệu thứ cấp từ sản phẩm tái chế, đặc biệt là trong bối cảnh thói quen của người tiêu dùng đang dần thay đổi, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn và buộc phải cơ cấu lại do COVID-19.

Theo Ban Tổ chức Hội thảo, kinh tế tuần hoàn là chủ đề rộng ở nhiều ở nhiều cấp độ khác nhau như vĩ mô (quốc gia, địa phương, đô thị), trung gian (cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái), theo ngành, lĩnh vực và theo từng loại hình doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ. Rất nhiều rào cản để thực hiện kinh tế tuần hoàn đã được khái quát như rào cản về thể chế, pháp luật, vốn, công nghệ, kỹ thuật, thị trường và cả khía cạnh văn hóa và hành vi tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi quốc gia, mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp sẽ có những đặc trưng khác nhau về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, mức sống, văn hóa nên đòi hỏi chủ động của các cấp, các ngành và từng doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp của kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc trưng của địa phương, vùng, miền và của từng doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ.

Chính vì vậy, để thực hiện thành công chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có cách tiếp cận hệ thống, phát huy vai trò và sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần hình thành ngày càng nhiều mô hình quản lý, kinh doanh tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững./.


Phạm Minh Tuấn

Xem thêm