Xã hội

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội

Ninh Bình

UBND tỉnh Ninh Bình đối thoại với nông dân nhằm kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

TTXVN - Chiều 25/10, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2023, nhằm nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nông dân, qua đó kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại hội nghị, hội viên, nông dân đã đề xuất các ý kiến, kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành về các nhóm vấn đề như hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh hoạt động Hội và phong trào nông dân.

Ông Lê Văn Vượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp nêu vấn đề, trong năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Có thể nói, đây là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đã được áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. Tuy nhiên, để được hỗ trợ, người dân phải có diện tích chăn nuôi và có đất mang tên chính chủ, khu vực chăn nuôi xa dân cư. Trong khi đó, các diện tích đất ở xa dân cư chủ yếu là người dân thuê đất thầu của xã còn diện tích đất mang tên chính chủ lại gần dân cư, không thể áp dụng mô hình chăn nuôi gia súc lớn. Bên cạnh đó, những hộ có đủ điều kiện lại phải chờ thẩm định rất lâu. Ông Lê Văn Vượng kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp có thẩm quyền có phương án giải quyết và đơn giản hóa thủ tục giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay nhiều hơn, nhanh hơn.

Ông Bùi Đức Chinh, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn nêu vấn đề: Tỉnh có chủ trương phát triển du lịch theo hướng bền vững nhưng trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện nói riêng có rất nhiều nhà máy xi măng đang hoạt động suốt ngày đêm làm ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng như khí thải, khói bụi, rác thải, nước thải... Đặc biệt, huyện Gia Viễn có Nhà máy xi măng The Vissai ở Cụm Công nghiệp Gián Khẩu, các doanh nghiệp sản xuất giày da, mỳ ăn liền, ô tô Thành Công đang gây ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Đức Chinh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành có biện pháp để giảm thiểu các tác động của nguồn nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và phát triển du lịch.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình trả lời các câu hỏi, kiến nghị của nông dân Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề khác được nông dân kiến nghị như cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ thỏa đáng cho những người thuộc diện phải nghỉ công tác trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; việc bố trí cán bộ, sử dụng các trụ sở, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; các giải pháp để nông dân được tiếp cận các gói tín dụng, tăng cường nguồn vốn giải quyết việc làm cho người nông dân...

Kết luận buổi đối thoại, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, cho đây là các ý kiến xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn và những nhu cầu chính đáng của hội viên, nông dân. Các ý kiến đã thể hiện tinh thần xây dựng, góp phần cùng các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt hơn chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của người dân. Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, cách làm mới có hiệu quả rõ nét. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ, đặc biệt là gắn kết giữa nhà nước, nhà nông với doanh nghiệp, hoạt động ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số vào sản xuất còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp truyền thống còn nhiều rủi ro, giá cả vật tư nông nghiệp còn ở mức cao, trong khi giá một số mặt hàng nông sản thấp, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường.

Các kiến nghị của nông dân tại buổi đối thoại đã được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trả lời trực tiếp, đồng thời cung cấp thêm thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đối với các nhóm vấn đề nông dân quan tâm. Đối với một số vấn đề được dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác thông tin, chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách đến với hội viên nông dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong nông nghiệp, nông thôn./.


Hải Yến

Xem thêm