Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường.
(TTXVN)- Ngày 2/11, tại Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam”. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực địa lý và môi trường tham dự.
Khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, theo cảnh báo của Liên hợp quốc, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi. Đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; trong đó, chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang ưu tiên năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, việc chuyển đổi năng lượng cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. 45% còn lại nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được nhận định là nền tảng tạo ra “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero như đã cam kết cũng như góp phần chống lại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường để phát triển bền vững.
Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường.
Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường; tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới, nâng cao sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định do Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy nguồn lực; chưa có nhiều công nghệ tái chế.
Chia sẻ về giảm phát thải khí nhà kính, việc tổ chức phát triển thị trường carbon và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng đến tăng trưởng xanh, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho hay, từ nay đến năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Cùng với đó, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việt Nam thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Liễu, việc tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức triển khai từ năm 2028.
Tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Anh, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã đưa ra một số giải pháp giảm phát thải tại địa phương đối với lĩnh vực năng lượng như: Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên. Đối với thủy điện, phát triển có chọn lọc, bổ sung trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tới tác động môi trường.
Với điện gió và điện mặt trời, cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần tích hiện hiệu quả Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methanol đến năm 2030 của quốc gia… Ngoài ra, ông Vũ Quốc Anh đề xuất áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua quản lý công nghệ trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý cây trồng tổng hợp, canh tác tưới tiết kiệm, tưới thông minh cho canh tác lúa nước và cây dài ngày...
Để hình thành và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị quản lý nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải, lộ trình giảm phát thải cho từng ngành/tiểu ngành... theo hướng minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam./.