Khoa học

Xây dựng đội ngũ trí thức mạnh về số lượng và chất lượng

Đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng, có cơ cấu tương đối hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tôn vinh 17 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu lần thứ VII, năm 2023. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN) 

TTXVN - Hiện nay, số lượng trí thức có học hàm, học vị cao của Thừa Thiên - Huế xếp thứ ba trên toàn quốc sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với lợi thế này, tỉnh có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; tạo động lực sớm xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

* Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình hành động và đề án về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; xây dựng và ban hành nhiều chính sách về công tác đào tạo và bồi dưỡng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, sở trường; đổi mới công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ; tuyển dụng công chức, viên chức ưu tiên đối với những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; tôn vinh trí thức; đề cao trách nhiệm của đội ngũ trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội trí thức. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng, có cơ cấu tương đối hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Toàn tỉnh có hơn 300 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, 45 Giáo sư danh dự, 318 Giáo sư, Phó Giáo sư; hơn 1.000 Tiến sĩ, gần 4.000 Thạc sĩ. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đạt hơn 15.100 người. Đội ngũ trí thức có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ các cương vị chủ chốt của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ và khoa học xã hội nhân văn … đồng thời, đạt nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học, đáng chú ý là những thành tựu về khoa học sức khỏe.

Những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà mà còn mang tầm quốc tế. Nhiều nhà khoa học đã đoạt những giải thưởng danh giá như: Phó Giáo sư Đinh Thị Bích Lân (Đại học Huế) với Giải thưởng Kovalevskaia 2017; Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài giành Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal - UNESCO; Giáo sư Cao Ngọc Thành cùng các cộng sự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2022 với cụm công trình "Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng"…

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Đắc Thái Hoàng cho biết, đội ngũ trí thức của tỉnh đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tham gia đóng góp, hiến kế các giải pháp hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với mục tiêu kết nối, phát huy vai trò của trí thức, liên hiệp các hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên và đội ngũ trí thức khoa học công nghệ phát huy tiềm năng trí tuệ của mình như tổ chức các Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp tỉnh, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh với hàng nghìn đề tài tham gia và hàng chục đề tài đã đoạt giải cao toàn quốc và quốc tế. Đáng chú ý đã tổ chức 7 kỳ "Tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu", qua đó vinh danh 103 nhà khoa học trong và ngoài nước có đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh.

 Phó Giáo sư Đinh Thị Bích Lân (Đại học Huế) với Giải thưởng Kovalevskaia 2017. (Đồ họa/TTXVN) 

* Phát huy sức sang tạo của đội ngũ trí thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn ít. Hiện tượng chảy máu chất xám còn nhiều, nhất là ở các ngành, lĩnh vực đòi hỏi nhân lực trình độ cao như y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ. Cơ chế tài chính và việc đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, môi trường làm việc ở một số nơi chưa được bảo đảm, nhất là đối với trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sĩ…

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Đắc Thái Hoàng cho rằng, để đội ngũ trí thức trở thành động lực cho phát triển quê hương, đất nước, tỉnh cần tiếp tục xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo hướng linh hoạt hơn trong việc thu hút đội ngũ trí thức nói chung, cho lĩnh vực khoa học - công nghệ nói riêng; tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí và xây dựng cơ chế tài chính mềm dẻo, linh hoạt để đội ngũ tri thức, các nhà khoa học có đủ thời gian nghiên cứu; tăng cường các hoạt động chia sẻ kiến thức, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, mỗi nhà khoa học cần tiếp tục nỗ lực để tiếp cận kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ năng hội nhập quốc tế.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ, tỉnh cần tiếp tục xây dựng nghị quyết về phát triển đội ngũ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh với các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ xứng đáng với sự sáng tạo của các nhà khoa học; xây dựng quy trình hậu nghiệm thu đề tài khoa học để ứng dụng, chuyển giao khoa công nghệ vào cuộc sống, tránh lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, tỉnh cần tạo điều kiện, môi trường làm việc và đầu tư cơ sở vật chất trong quá trình nghiên cứu khoa học; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thừa Thiên - Huế đang tích cực triển khai Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy về "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", với mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao; hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế... Trong đó, tỉnh chú trọng đến các giải pháp về công tác quy hoạch, định hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn./.

PV

Xem thêm