Việc nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền có liên quan đến sáng tạo cho khối doanh nghiệp cũng cần được quan tâm.
TTXVN - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ đang có nhiều vi phạm ở các lĩnh vực và khá phức tạp. Đây là vấn đề cần nhận diện rõ và có những giải pháp hiệu quả…Việc nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền có liên quan đến sáng tạo cho khối doanh nghiệp cũng cần được quan tâm. Vì vậy, trước mắt cần lan tỏa kiến thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền cho các tác giả sáng tạo nhưng về lâu dài, cần có những chiến lược tạo dựng nền tảng chung về sở hữu trí tuệ.
Đây là những lý đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ” cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu…; đề xuất về việc phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án, đề tài, công trình khoa học, hoặc viết sách, viết các bài báo khoa học… cần cẩn trọng tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, để tránh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, vai trò của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thành viên là nhiệm vụ quan trọng. Để có những sản phẩm đưa ra thị trường, trong các điều kiện không được bao cấp khó khăn hơn nhiều và nếu những sản phẩm không được bảo vệ bản quyền, các nhà nghiên cứu hoặc sản xuất bị thiệt thòi rất nhiều. Bởi vậy các tổ chức xã hội - nghề nghiệp phải chủ động trong phát hiện để xác nhận quyền sở hữu trí tuệ cho các pháp nhân và cá nhân trực thuộc mình. Nhất là với những người chỉ biết làm ra sản phẩm mà ít biết cách bảo vệ nó…
Chia sẻ lợi ích của việc bảo hộ độc quyền sáng chế, Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đào Anh Dũng cho rằng, thông qua sự ghi nhận chủ sở hữu đối với sáng chế, chủ sở hữu có thể ngăn cấm bên thứ ba sử dụng mới mục đích thương mại, từ đó giảm áp lực cạnh tranh đồng thời tạo vị thế trên thị trường. Khi tác giả cho ra một sáng chế tức là tác giả đã đầu tư tiền, thời gian, trí tuệ. Khi được cấp bằng độc quyền sáng chế, tác giả có thể dễ dàng thu lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều từ việc thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra với đối tác, nhà đầu tư hoặc khách hàng tìm đến với tác giả thì bằng độc quyền sáng chế chính là thứ để khẳng định về kiến thức chuyên môn, năng lực đối với doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình gọi vốn, tìm đối tác kinh doanh và nâng cao giá trị công ty trên thị trường….
Ông Đào Anh Dũng cũng chia sẻ những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như là, sáng chế trái với quy định của nhà nước; sáng chế trái với đạo đức xã hội và phương hại đến lợi ích công cộng; sáng chế có hại cho quốc phòng an ninh…/.
- Từ khóa:
- sở hữu trí tuệ
- quyền tác giả
- khối doanh nghiệp