Khoa học

Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh.

Các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội nghị.(Ảnh: Diệu Thuý/ TTXVN)

(TTXVN)- Hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 6/10, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học phối hợp với Hội Công nghệ sinh học, Hội Các ngành Sinh học Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học công nghệ sinh học toàn quốc 2023.

Khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Diệu Thuý/TTXVN)

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP. Do đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị là một sự kiện kịp thời, đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tạo cú hích cho sự phát triển của công nghệ sinh học.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Diệu Thuý/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, góp phần vào hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TW, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp như: Một số cơ chế mới để ưu tiên sự phát triển của công nghệ sinh học, hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao vào các viện nghiên cứu cũng như các giải pháp liên quan đến kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học để có thể phát triển các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực tiễn một cách dễ dàng hơn.

Chính vì thế, Hội nghị này là dịp để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng của lĩnh vực công nghệ sinh học trong giai đoạn vừa qua.

Hội nghị gồm một phiên toàn thể và 6 phiên tiểu ban (công nghệ gene; công nghệ enzyme - hóa sinh; công nghệ sinh học y - dược; công nghệ sinh học vi sinh môi trường; công nghệ sinh học thực vật; công nghệ sinh học động vật).

Tại phiên toàn thể, Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát, Trưởng Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học cập nhật về công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas trong cải tạo giống cây trồng cho biết, hiện nay, công nghệ chỉnh sửa hệ gene thông qua hệ thống CRISPR/Cas được xem là phương pháp chính xác và hiệu quả nhất được sử dụng trong cải tạo giống cây trồng.

Bởi nó cho phép tạo ra các đột biến theo định hướng, có thể tác động tới nhiều gene cùng một lúc và đặc biệt là có thể chọn được các dòng đột biến không mang theo bất cứ trình tự ADN ngoại lai trong hệ gene. Khác với việc chuyển gene thông thường vẫn để lại các trình tự gene ngoại lai, công nghệ chỉnh sửa gene có thể tạo ra những đột biến giống như những đột biến tự nhiên và không chứa bất cứ thành phần ADN ngoại lai trong hệ gene. Do vậy, các sản phẩm tạo được có triển vọng cao trong ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát cho biết, đến nay, một số quốc gia đã chấp nhận việc sử dụng một số sản phẩm từ chỉnh sửa gene như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm chỉnh sửa gene nên các nghiên cứu vẫn chỉ được triển khai trong phòng thí nghiệm.

Hiện tại, nhóm tiếp tục phát triển công nghệ này trong nâng cao tính chống chịu với bệnh do nấm phấn trắng trên đậu tương, dưa chuột; tăng cường tính chịu mặn hay thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa; tăng năng suất ngô...

Về thành tựu nghiên cứu về công nghệ protein/enzyme ở Việt Nam, đặc biệt trong xét nghiệm COVID-19, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tuấn Nghĩa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, công nghệ protein/enzyme đã góp phần xây dựng và thực hiện được các chương trình đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ sinh học hiện đại từ bậc đại học đến tiến sỹ và đã đào tạo được đội ngũ nhân lực cơ bản đủ khả năng tiếp cận, làm chủ nhiều công nghệ protein-enzyme.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu về công nghệ protein/enzyme ở Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tuấn Nghĩa kiến nghị các bộ, ngành cần có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực chất lượng cao; cải tiến cơ chế thanh quyết toán tài chính theo hướng quan tâm sản phẩm đầu ra, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học. Các nhà khoa học cần quan tâm hơn nữa đến tính mới, tính sáng tạo; lựa chọn những vấn đề có thế mạnh, đặc thù; bám sát thực tiễn hơn, nhận các đặt hàng từ doanh nghiệp; tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế xuất sắc…

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức chọn hơn 50 báo cáo đại diện để báo cáo tại các tiểu ban. Một số nội dung được thảo luận như: Nghiên cứu ứng dụng hạt nano kim cương trong làm giàu và phân đoạn protein nước tiểu; khảo sát tỷ lệ gene lặn mang biến thể gây bệnh ở phụ nữ Việt Nam bằng xét nghiệm; mối tương quan giữa tỷ lệ trưởng thành noãn và tỷ lệ thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi sinh vật tạo màng sinh học.../.

Diệu Thuý

Xem thêm