Công nghiệp sinh học tại Việt Nam có những nghiên cứu và ứng dụng quan trọng như đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 "Made in Việt Nam".
TTXVN - Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, để hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp start-up công nghệ sinh học là một nhu cầu cấp bách.
Ông Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, giai đoạn tới đây của công nghiệp sinh học là giai đoạn bùng nổ của dược phẩm sinh học. Công nghiệp sinh học tại Việt Nam có những nghiên cứu và ứng dụng quan trọng như đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 made in Việt Nam, với nhiều phương pháp khác nhau, từ ADN tái tổ hợp đến công nghệ vector virus. Trong mảng thuốc sinh học, Viện Công nghệ sinh học từng nghiên cứu tạo ra sản phẩm Naturenz bằng phương pháp ly trích enzyme từ 6 loại củ quả trong thiên nhiên, giúp giải độc cơ thể, phục hồi chức năng gan. Sau hơn 20 năm nghiên cứu, năm 2005 Viện chuyển giao công nghệ này cho Công ty Dược Hậu Giang sản xuất và phân phối. Tính đến nay, sản phẩm Naturenz đã có mặt trên thị trường gần 15 năm và được người tiêu dùng đón nhận.
Về ứng dụng chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học có nguốn gốc từ trấu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Nhi Công (Viện Công nghệ sinh học) cho biết, quy trình sinh học là một trong những quy trình xử lý triệt để, thân thiện môi trường và có chi phí thấp. Trong số các quy trình phân hủy sinh học, màng sinh học là một trong những quy trình xử lý dầu ô nhiễm hiệu quả, chi phí thấp nên từ lâu được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.
Trong nghiên cứu này, 4 chủng vi khuẩn tạo màng sinh học tốt, được phân lập từ các mẫu đất và nước bị ô nhiễm dầu tại một số vùng biển Việt Nam. Bằng phương pháp phân tích dầu tổng số và sắc ký lỏng cao áp đã chứng minh được chế phẩm tạo thành có khả năng phân hủy trên 95 và 99% dầu tổng số với nồng độ bổ sung của chế phẩm tương ứng là 10 và 20 %...Kết quả này mở ra tiềm năng của việc sử dụng hỗn hợp các chủng vi khuẩn tạo chế phẩm để tăng cường hiệu suất phân hủy mẫu nước bị nhiễm dầu, đồng thời có thể mở ra ứng dụng trong xử lý nước thải tại các kho xăng tại Việt Nam- Tiến sỹ Lê Thị Nhi Công cho biết thêm.
Nghiên cứu ứng dụng hạt nano kim cương trong làm giàu, phân đoạn và phân tích khối phổ/proteomics hệ protein nước tiểu, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Phương Viện Công nghệ sinh học cho rằng, bằng cách ứng dụng hạt nano kim cương, nhóm nghiên cứu phát triển được một phương pháp làm giàu và phân đoạn protein nước tiểu vừa đơn giản, dễ thao tác, không đòi hỏi các thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian xử lý mẫu mà vẫn đảm bảo chất lượng mẫu cho phân tích khối phổ. Kết quả xác định được 1.761 protein tổng số phân tích, trong đó protein thu được ở phân đoạn pH11D là nhiều nhất với 825 protein.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Phương nhấn mạnh, thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tối ưu các điều kiện phân tích và nhận diện protein nước tiểu bằng sắc ký lỏng khối phổ để tăng số lượng protein được nhận diện./.
- Từ khóa:
- công nghệ sinh học
- dược phẩm