Để Nghị quyết số 27-NQ/TW đi vào đời sống, vấn đề cải cách môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh phải đặc biệt được chú trọng.
TTXVN - Ngày 19/4, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học pháp lý và Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ban Quản lý Chương trình 585) - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm "Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống - Xây dựng hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu mới cho doanh nghiệp".
Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII "Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" có nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng.
Theo Nghị quyết, Đảng ta chủ trương hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân...
Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nghị quyết chủ trương đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, Tọa đàm nhằm trao đổi, nhận diện rõ những yêu cầu mới đặt ra từ Nghị quyết 27-NQ/TW, hiến kế giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng thảo luận về những khó khăn, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đề xuất những giải pháp hữu hiệu, khả thi nhằm xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW.
Phát biểu tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW đã khái quát hóa được 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xác định cụ thể mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật và nhiệm vụ, giải pháp cho việc xây dựng pháp luật.
Theo ông Đinh Dũng Sỹ, muốn đưa luật vào cuộc sống, phải lắng nghe doanh nghiệp để biết họ muốn gì. Theo đó, cần thực hiện rà soát pháp luật trên tất cả lĩnh vực. Chính phủ cần có cơ chế tiếp nhận, phản hồi ý kiến của doanh nghiệp và người dân, từ đó giải quyết kịp thời các khó khăn. Với những văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần đề xuất với Chính phủ trong việc thu thập thông tin từ doanh nghiệp; từ đó rà soát, sàng lọc, đưa ý kiến đến Chính phủ.
Ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, việc rà soát Luật Hợp tác xã là cần thiết và bày tỏ mong muốn sau khi được sửa đổi, Luật sẽ tiệm cận được với các mô hình trong thực tiễn, thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển. Ngoài ra, cần chấn chỉnh phong cách, đạo đức công vụ của cán bộ thực thi pháp luật.
Một số ý kiến chỉ rõ, cần sự đồng bộ, nhất quán từ việc xây dựng đến thực thi pháp luật. Đặc biệt, cán bộ thực thi pháp luật cần thường xuyên tự trau dồi, nâng cao năng lực, tích cực giúp doanh nghiệp "gỡ vướng", để những vấn đề tưởng như phức tạp trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến khâu xử lý thông tin doanh nghiệp phản ánh. Cơ quan quản lý cần lấy ý kiến và sàng lọc thông tin, đóng góp xây dựng các quy định pháp luật ngày càng sát thực tế, dựa trên lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Theo Luật sư Đường Ngọc Hân, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, những nội dung tại Nghị quyết 27-NQ/TW là tiền đề kiến tạo hành lang pháp lý phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng trong giai đoạn mới.
Nghị quyết tập trung vào các nhiệm vụ như: xây dựng hệ thống pháp luật lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp…
Cùng với Nghị quyết 27-NQ/TW, sự tích cực của Chính phủ trong việc tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.
Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách, tiêu biểu như tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo "điểm nghẽn" của môi trường đầu tư; còn tồn tại nhiều cơ chế quản lý hạn chế quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách bất hợp lý…
Luật sư Đường Ngọc Hân kiến nghị, để Nghị quyết đi vào đời sống, vấn đề cải cách môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh phải đặc biệt được chú trọng./.