Văn hóa

Xây dựng, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại

Một trong những hệ giá trị riêng mang bản sắc giai cấp công nhân được thể hiện rõ qua tinh thần Đoàn kết - Đồng tâm - Nghĩa tình trong lao động sản xuất.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Đỗ Bình/ TTXVN)

TTXVN - Ngày 23/3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang dự hội thảo.

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, mọi chiến lược kinh doanh đều dễ dàng bị sao chép, chỉ có văn hóa là thứ gene để doanh nghiệp làm nên sự khác biệt là nhận định rất chính xác bởi mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng, phù hợp với lịch sử, truyền thống và lý tưởng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Xuân Giao khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Tiến sỹ Chu Xuân Giao phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiến sỹ Chu Xuân Giao cho biết, văn hóa công nhân, tức một thành viên của doanh nghiệp, được hiểu là "văn hóa doanh nghiệp" thẩm thấu trong mỗi người công nhân. Nói ở chiều ngược lại, mỗi người công nhân cùng một lúc sở hữu, thực hành, hưởng thụ văn hóa doanh nghiệp (gồm giá trị quan hệ giá trị và hệ thống quy phạm hoạt động). Đó là hai chiều biện chứng của văn hóa công nhân và văn hóa doanh nghiệp.

Cũng bởi vậy, văn hóa công nhân cần coi trọng cả hai nội dung (hệ giá trị và hệ thống quy phạm) và tính hai chiều trong quan hệ văn hóa công nhân - văn hóa doanh nghiệp. Chính văn hóa công nhân quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ văn hóa công nhân và cung cấp lại môi trường văn hóa doanh nghiệp cho công nhân được hưởng thụ.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, con người tồn tại không chỉ cần những sản phẩm vật chất mà còn có nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa tinh thần. Con người và xã hội càng phát triển, nhu cầu văn hóa tinh thần đòi hỏi ngày càng cao. Đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật chất cho con người và xã hội.

Theo Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là hết sức cần thiết, vì bản thân doanh nghiệp không chỉ là một không gian kinh tế, vật chất xã hội. Bên trong nó, mối quan hệ giao tiếp giữa người lao động với nhau, người lao động với giới chủ còn xác lập những hình thức quy ước mang tính biểu tượng, thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết, góp phần xây dựng con người, là nguồn lực gián tiếp tạo ra giá trị vật chất, lợi ích kinh tế. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp.

Phân tích những giá trị văn hóa tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, một trong những hệ giá trị riêng mang bản sắc giai cấp công nhân được thể hiện rõ qua tinh thần Đoàn kết - Đồng tâm - Nghĩa tình trong lao động sản xuất. Đoàn kết để lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất. Đồng tâm để đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, theo đuổi sự nghiệp cách mạng. Nghĩa tình để chăm lo, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó.

Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiến sỹ Nhạc Phan Linh nhấn mạnh: Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - chúng ta nhất định thắng” từ cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả - Quảng Ninh tháng 11/1936, đã đem lại thành quả cho những công nhân hầm lò đầu thế kỷ XX và tinh thần đó sẽ tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa để thực hiện khát vọng dân tộc.

Phó Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Ngành khai thác than và người thợ mỏ đã tạo ra những dấu ấn riêng ở một vùng tài nguyên rộng lớn, làm nên một vùng văn hoá mới - văn hoá vùng mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành “phông”văn hóa rất riêng của các doanh nghiệp ngành Than, giúp cho ngành Than - Khoáng sản vượt qua mọi khó khăn, thách thức để khẳng định là một trong 3 trụ cột an ninh năng lượng quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Minh cho biết, nhờ tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" được vận dụng và tỏa sáng đúng thời điểm, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có vị thế như hôm nay. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa như hiện nay, những doanh nghiệp giữ được nét riêng về văn hóa doanh nghiệp như Than - Khoáng sản Việt Nam là rất đáng trân trọng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng: Hội thảo là diễn đàn rất có ý nghĩa, làm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của việc xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp; làm rõ thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng văn hóa trong công nhân, hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; qua đó góp phần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 2411/2021.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Sự cần thiết xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công nhân; thực trạng văn hóa doanh nghiệp hiện nay và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp; cách thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp, sự tham gia của người lao động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp; quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp với việc làm, thu nhập và thực hiện chế độ, chính sách và xây dựng quan hệ lao động; các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe cho công nhân; văn hóa doanh nghiệp và sự thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn tại doanh nghiệp; văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…/.

Đỗ Bình

Xem thêm