Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, thân thiện: * Bài 1: Cải thiện hạ tầng đô thị
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh là "vùng lõi" quan trọng bậc nhất, nơi thúc đẩy kinh tế cũng như bộ mặt, hình ảnh của Thành phố qua nhiều thập kỷ.
(TTXVN) - Hệ sinh thái tại đây được đánh giá là đầy đủ và hoàn chỉnh, ghi dấu ấn riêng biệt phục vụ nhu cầu của người dân, khách du lịch. Trong đó, các cung đường tài chính Hàm Nghi, Tôn Thất Đạm… thu hút nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính lớn nhất Việt Nam và nước ngoài đặt trụ sở; Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Phạm Ngũ Lão là những đường vành đai thương mại, giải trí sầm uất. Với nhiều công trình văn hóa lịch sử ý nghĩa cùng các trung tâm thương mại - dịch vụ, khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh còn thu hút hàng triệu lượt du khách đến du lịch, mua sắm mỗi năm.
Tuy nhiên, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đến nhiều bất cập về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và hạ tầng xuống cấp. Trước thực trạng này, Thành phố đã triển khai nhiều đề án chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường tại khu vực trung tâm phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội năng động, xứng tầm đô thị đầu tàu trong cả nước về kinh tế.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết ghi nhận những hoạt động chỉnh trang hạ tầng đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông, cải thiện mảng xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường của các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xây dựng bộ mặt thân thiện cho khu vực trung tâm Thành phố.
Bài 1: Cải thiện hạ tầng đô thị
Sau 8 năm xây ga ngầm tuyến đường sắt đô thị số 1, công trường quanh chợ Bến Thành (Quận 1) đã trả mặt bằng giúp các tuyến đường trung tâm Thành phố thông thoáng trở lại. Cùng với đó, hàng loạt công trình, dự án đã, đang thực hiện và về đích trong suốt những năm qua như, công trình chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh, kế hoạch phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm, công tác quản lý trật tự đô thị khu trung tâm và phố đi bộ Nguyễn Huệ, dự án cải tạo vỉa hè dành cho người đi bộ xung quanh công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa (Quận 3)… giúp bộ mặt đô thị Thành phố "lột xác" theo thời gian, khoác lên một diện mạo mới với nhiều không gian dành cho cộng đồng.
*Dành nhiều không gian phục vụ cộng đồng
Sau thời gian dài rào chắn để thi công xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tháng 8/2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã tháo dỡ, tái lập, bàn giao toàn bộ mặt đường Lê Lợi từ nút giao với đường Pasteur đến đường Phan Bội Châu và 8.000m2 mặt bằng Công viên 23/9 (Quận 1) cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố.
Trục đường Lê Lợi hiện nay đã trở nên thông thoáng, mặt đường được mở rộng, giao thông thuận tiện. Việc buôn bán của các cơ sở kinh doanh hai bên đường bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Không gian dành cho người đi bộ được cải thiện. Góc đường Lê Lợi hướng dẫn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng, người lớn tuổi tập thể dục, các bạn trẻ tụ họp chơi thể thao và nhảy hiện đại…
Chị Nguyễn Thị Mỹ Vân, quản lý của một nhà hàng cafe nằm trên đường Lê Lợi cho biết, cửa hàng nằm ở vị trí khá đẹp là góc giao của đường Lê Lợi và Pasteur, kế bên có bãi giữ xe công cộng. Trước đây, giao thông thuận tiện, khách lúc nào cũng đông nườm nượp. Thế nhưng, trong suốt nhiều năm thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mặt đường trước cửa hàng bị rào chắn hoàn toàn bởi các tấm tôn cao 2-3m, khiến việc đi lại, buôn bán rất khó khăn.
"Lúc rào chắn được tháo dỡ, vỉa hè được tu sửa, lát gạch lại như mới, đường phố sạch sẽ thông thoáng, tôi thấy rất vui vì điều đó có nghĩa là người dân, du khách sẽ quay trở lại tuyến đường này. Trên thực tế, sau gần một năm trả lại mặt bằng, đường Lê Lợi đã nhộn nhịp trở lại như trước. Việc kinh doanh của cửa hàng đã khởi sắc trở lại, lượng khách đến ngày càng đông", chị Vân chia sẻ.
Khu vực đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) có hai công trình vừa được "thay áo mới", trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân Thành phố và du khách là Công viên Bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh. Trước đó, hai công viên có tuổi đời hơn nửa thế kỷ này đã xuất hiện tình trạng xuống cấp sau thời gian dài sử dụng. Đặc biệt là Công viên Bến Bạch Đằng bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và mảng xanh cảnh quan, tình hình an ninh trật tự phức tạp, thường xuyên xảy ra vụ cướp giật tài sản…Vì vậy, giữa năm 2021, chính quyền Thành phố đã tổ chức nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang lại hai công viên nhằm phục vụ người dân và du khách. Công trình hoàn thành vào đầu năm 2022.
Công viên Bến Bạch Đằng hoàn thành với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha, trong đó, có 8.700 m2 đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite núi lửa và 7.000 m2 mảng xanh cỏ định hình không gian kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt công viên, tạo không gian, tầm nhìn thông thoáng về phía bờ sông Sài Gòn. Phía đối diện, Công viên Mê Linh hoàn thành với quy mô chỉnh trang gần 0,6 ha, được sửa chữa, nâng cấp nhằm tôn tạo đồng bộ cảnh quan cho khu vực, kết nối với cảnh quan Công viên Bến Bạch Đằng đến Cột cờ Thủ Ngữ. Khuôn viên công viên này được cải tạo lại lối đi, đường đi dạo bằng vật liệu đá granite, tăng thêm tiện ích ghế ngồi tại các khu vực tiểu cảnh, lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng, tăng cường mảng xanh và cải tạo cây xanh bóng mát, góp phần cải thiện không gian sinh hoạt công cộng tại khu vực song vẫn bảo đảm giữ nguyên ý tưởng kiến trúc của công trình. Đặc biệt, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo đặt tại Công viên Mê Linh đã được nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng để thực hiện trùng tu mà vẫn giữ được tính nguyên bản trước đây, đồng thời thiết kế tăng cường hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho tượng đài.
Sau hơn một năm hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân, Công viên bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh đã trở thành điểm vui chơi, tham quan lý tưởng, giúp người dân Thành phố có thêm không gian sinh hoạt, gây ấn tượng với du khách về cảnh quan đẹp, văn minh.
Anh Điền Trần Bảo Long (ngụ Quận 1) cho biết, sau khi được chỉnh trang, khu vực công viên đã trở thành nơi lui tới quen thuộc của gia đình anh vào cuối tuần. Trong dịp lễ, Tết, nhiều sự kiện văn hóa, ca nhạc, hội chợ ẩm thực được tổ chức tại công viên, thu hút lượng lớn người dân và du khách. Tình hình an ninh trật tự được lực lượng Công an địa phương thực hiện nghiêm ngặt, không còn tình trạng cướp giật, hàng rong…
Ông Võ Môn, Việt kiều từ Mỹ về lại ấn tượng trước sự "lột xác" hoàn toàn của Công viên Mê Linh. Công viên được chỉnh trang rất đẹp, toàn bộ được lát lại đá cao cấp, trồng thêm nhiều cây xanh và thay mới hệ thống chiếu sáng, tạo thành điểm vui chơi quen thuộc của nhiều du khách.
*Phát triển không gian ngầm, tổ chức lại giao thông
Ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khu vực trung tâm là bộ mặt, hình ảnh của Thành phố. Do đó, việc khu vực trung tâm có những thay đổi đáng kể, thêm nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng và điểm vui chơi, giải trí cho người dân, du khách được dư luận xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều hạng mục hạ tầng cần tiếp tục được chỉnh trang để bộ mặt trung tâm Thành phố ngày càng hoàn thiện hơn.
Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, trước ngày 2/9/2023, đơn vị thi công sẽ tháo dỡ toàn bộ phần rào chắn còn lại tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (chợ Bến Thành, Quận 1), trả lại một khoảng không gian xuyên suốt từ chợ Bến Thành kết nối sang đường Lê Lợi, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát Thành phố.
Thành phố có kế hoạch tái lập vòng xoay Quách Thị Trang thành quảng trường; đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang với cây xanh tán lớn xung quanh, tạo bóng mát. Điểm nhấn của quảng trường Quách Thị Trang sẽ là công trình giếng trời lấy sáng của nhà ga metro đối diện cổng chính chợ Bến Thành, hiện đã hoàn thành phần kiến trúc mặt ngoài. Các đơn vị liên quan hy vọng sau khi khu vực vòng xoay Quách Thị Trang được phục dựng sẽ trở thành không gian văn hóa đặc trưng mới của khu vực trung tâm Thành phố.
Một hạng mục khác dành cho khu vực trung tâm được các sở, ngành quan tâm là kế hoạch phát triển không gian ngầm tại trục đường Tôn Đức Thắng kết nối với Công viên Bến Bạch Đằng. Theo đó, đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên Bến Bạch Đằng sẽ được quy hoạch hai làn xe, mỗi hướng kết nối bãi đậu xe ngầm gồm hai tầng hầm với bãi đậu xe công cộng có sức chứa 300 xe hơi nằm cách Công trường Mê Linh khoảng 100m về phía Nam đường Ngô Văn Năm. Bên cạnh đó, khu vực Công trường Mê Linh sẽ xây dựng khu mua sắm, thương mại ngầm kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng.
Ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng nói riêng và khu vực trung tâm Thành phố nói chung là giải pháp cần thiết để khắc phục điểm hạn chế về thiếu tính kết nối giữa các tuyến đường của khu trung tâm hiện nay. Việc xây dựng không gian ngầm sẽ giúp người dân, du khách dễ dàng tiếp cận các điểm tham quan của khu trung tâm trong thời gian ngắn hơn mà vẫn đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khai thác không gian ngầm sẽ giúp bổ sung thêm nhiều hạng mục công trình chức năng cần thiết như bãi xe, lối đi bộ, khu mua sắm, nhà vệ sinh công cộng… mà vẫn giữ được không gian thoáng đãng cho khu trung tâm./. (còn nữa)
Hồng Giang
Bài 2: Làm sạch môi trường, đảm bảo mỹ quan khu vực trung tâm ( TTXVN 1/7)
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- đô thị
- hạ tầng
- quy hoạch