Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, thân thiện: * Bài 2: Làm sạch môi trường, đảm bảo mỹ quan khu vực trung tâm
Chính quyền và ngành Môi trường Thành phố thực hiện nhiều biện pháp làm sạch môi trường, đảm bảo mỹ quan khu vực trung tâm.
(TTXVN) - Cùng với việc chỉnh trang, cải thiện các công trình kiến trúc, hạ tầng, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng là yếu tố quan trọng đóng góp vào mục tiêu xây dựng bộ mặt thân thiện, văn minh, hiện đại của khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, xứng đáng là cửa ngõ quốc tế, trung tâm phát triển động lực của cả nước.
*Giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải
Thực hiện Cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước" của Thành ủy Thành phố, Ủy ban nhân dân Quận 1 quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, như: tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động về bảo vệ môi trường. Quận xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng khu vực trung tâm; hướng dẫn, giúp người dân từng bước hình thành thói quen phân loại, bỏ đúng chất thải, hạn chế tác động tiêu cực đối với sức khỏe và môi trường...
Quận 1 còn vận động 66/66 khu phố đăng ký xây dựng khu phố không rác; vận động các hộ kinh doanh khu vực trung tâm sử dụng túi giấy, túi tự phân hủy; tổ chức định kỳ phong trào 15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn. Quận kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Quận thành lập hai nhóm "Bảo vệ dòng kênh xanh" và 8 nhóm "Bảo vệ môi trường xanh". Từ năm 2020 đến nay, quận phát hơn 5.000 túi thân thiện môi trường, tẩy xóa hơn 2.400 tấm bảng quảng cáo sai quy định, trao tặng 1.381 thùng rác cho các hộ dân, lắp đặt 1.353 thùng rác công cộng…
Theo anh Trịnh Quang Vinh, quản lý một nhà hàng phong cách Âu tọa lạc trên đường Đồng Khởi, từ năm 2020, thực hiện cuộc vận động của Ủy ban nhân dân Quận 1, nhà hàng ngưng sử dụng các loại ống hút và hộp đựng thức ăn bằng nhựa chuyển sang ống hút gạo, tre và hộp bã mía tự phân hủy thân thiện môi trường. Nhà hàng đồng thuận tham gia hưởng ứng chiến dịch phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng quy định, không để sót lọt rác, nước thải ra ngoài môi trường; hưởng ứng lời kêu gọi phát triển mảng xanh của quận bằng cách trồng thêm nhiều cây, hoa cảnh. Trước đây, khu vực kinh doanh dịch vụ, ăn uống, mua sắm tại Đồng Khởi - Tôn Đức Thắng còn tình trạng rác thải không đúng nơi quy định. Hiện nay, ý thức các cơ sở kinh doanh được nâng cao, tình trạng này hầu như không còn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận 1 thực hiện tốt công tác chuyên môn, quét dọn, thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng rác trên địa bàn đến các bãi đổ, không để tồn đọng rác trong ngày, duy tu bảo dưỡng tốt mảng xanh, công viên, hệ thống thoát nước…
Ông Phạm Trọng Chánh, Đội trưởng Đội Vệ sinh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ công ích Quận 1) cho biết, nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty được chia thành nhiều đội (như đội vệ sinh, đội công viên, đội thoát nước đô thị, đội dịch vụ công cộng…) hàng ngày luân phiên thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo lĩnh vực được phân công. Đội Vệ sinh gồm 5 tổ vệ sinh phụ trách quét dọn, thu gom chất thải trên toàn bộ các tuyến đường của quận, trong đó chú trọng tuyến đường trung tâm như Tôn Đức Thắng, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng… đảm bảo mỹ quan khu vực trung tâm Thành phố.
Trong những sự kiện, lễ hội lớn hay dịp lễ, Tết, các đội, nhóm của Công ty cùng phối hợp để cung cấp đến người dân, du khách dịch vụ vệ sinh môi trường như quét dọn, thu gom chất thải… đảm bao khu vực trung tâm luôn sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt với người dân và du khách.
*Diện mạo mới cho nhà vệ sinh công cộng
Việc nhà vệ sinh công cộng thiếu, xuống cấp hoặc ngưng hoạt động là vấn đề nhức nhối của Quận 1 để lại ấn tượng không đẹp cho người dân và du khách đến Thành phố.
Địa bàn Quận 1 có 18 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm công cộng gồm: 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe buýt và một khu dân cư. Khu vực Quận 1 còn có 130 cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại có nhà vệ sinh hiện đại có thể vận động hỗ trợ, phục vụ miễn phí cho người dân và du khách. Tuy nhiên, với mật độ dân số cùng lượng khách tham quan hàng ngày rất lớn ở khu vực trung tâm, số lượng nhà vệ sinh công cộng như hiện nay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại Quận 1 cũng như nhiều địa phương khác là Thành phố chưa có quỹ đất công cộng để bố trí địa điểm xây dựng nhà vệ sinh, do đó, trong thời gian qua chỉ tồn tại nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe buýt. Cùng với đó, qua ghi nhận tại các nhà vệ sinh công cộng, ý thức người sử dụng chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng.
Một số nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí còn tình trạng người sử dụng xả rác, tận dụng tắm giặt hoặc thậm chí lấy cắp vật dụng khiến nơi đây trở nên nhếch nhác, nhanh xuống cấp. Chính quyền quận phải duy trì lực lượng đảm bảo vệ sinh thường xuyên, gây tốn kém kinh phí. Bên cạnh đó, dù tại các điểm kinh doanh, khách sạn, nhà hàng cao cấp có hỗ trợ nhà vệ sinh miễn phí đều có gắn logo hướng dẫn màu xanh với dòng chữ "Toilet - Free of charge" nhằm giúp người dân và du khách nhận biết nhưng việc sử dụng loại hình nhà vệ sinh này không thật sự tiện lợi cho đa số người dân nên nhiều người còn ngần ngại.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, một khó khăn khác là chi phí đầu tư và duy trì hoạt động các nhà vệ sinh công cộng hiện nay. Cụ thể, chi phí đầu tư mỗi nhà vệ sinh công cộng ước tính khoảng 550 triệu đồng, chi phí vận hành mỗi điểm tối thiểu 36 triệu đồng/tháng. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã phối hợp với Quận 1 làm việc với nhiều nhà đầu tư để xã hội hóa việc đầu tư nhà vệ sinh công cộng.
Thực hiện chủ trương này, Ủy ban nhân dân Quận 1 phối hợp với một số nhà đầu tư xây dựng công trình vệ sinh công cộng tự động miễn phí phục vụ dân sinh và khách du lịch trên địa bàn quận. Một số công trình đã hoàn thành, đưa vào thí điểm phục vụ người dân, du khách từ cuối tháng 4/2023.
Các địa điểm 2-4-6 đường Hai Bà Trưng và 8-12 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Quận 1) hiện có hai nhà vệ sinh công cộng tự động do Công ty Cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong lắp đặt với tổng chi phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thúy Vân, Giám đốc Dự án Nhà vệ sinh công cộng của Công ty Cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong cho biết, mô hình nhà vệ sinh công cộng do Công ty xây dựng hoàn toàn khác với những mô hình nhà vệ sinh trước đây tại Việt Nam khi tất cả quy trình đều được xử lý tự động, dựa trên các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, Công ty xây dựng đội ngũ nhân viên quản lý, bảo trì được đào tạo theo quy trình của Hiệp hội Nhà vệ sinh thế giới để thường xuyên theo dõi, bảo trì, bảo dưỡng, dọn dẹp các nhà vệ sinh hàng ngày.
Tại các địa điểm số 8 đường Nguyễn Trung Trực và số 135 đường Nguyễn Huệ (Quận 1), hai nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn quốc tế vừa đưa vào hoạt động, không thu phí người dân do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) đầu tư xây dựng với các tính năng nổi bật như cửa tự động đóng mở, camera quan sát bên ngoài cho người đang sử dụng, hệ thống thông gió, hút mùi, quạt tự động, hệ thống khử khuẩn tự động bằng tia UV, hệ thống rửa sàn nhà vệ sinh tự động… Các nhà vệ sinh còn kết hợp với ki - ốt kinh doanh, trưng bày sản phẩm. Nguồn thu từ hoạt động này sẽ duy trì kinh phí hoạt động cho nhà vệ sinh công cộng.
Chị Hà Huỳnh Hồng Hạnh (ngụ quận Bình Tân) cho biết, dịp Lễ 30/4, gia đình chị rất bất ngờ khi khu vực trung tâm Thành phố xuất hiện nhiều nhà vệ sinh công cộng mới, hiện đại, sạch đẹp, sử dụng công nghệ tự động, có chất lượng vượt trội so với các nhà vệ sinh trước đây. Đặc biệt, công tác bảo dưỡng được thực hiện tốt, không để tồn đọng rác, chất thải và hầu như không có mùi hôi khó chịu như những nhà vệ sinh công cộng "đời cũ".
Ông Dương Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị Quận 1 cho biết, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng sử dụng công nghệ cao trên địa bàn quận và ở khu vực khác có nhu cầu lớn. Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam từ nay đến cuối năm 2023 cam kết tài trợ cho Thành phố thêm 200 nhà vệ sinh công cộng trên toàn địa bàn, sử dụng 100% nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn năm 2023 - 2025, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam sẽ tài trợ thêm 500 nhà vệ sinh công cộng để Thành phố thật sự có một chuỗi nhà vệ sinh công cộng được quy hoạch thông minh, xanh sạch, bền vững, góp phần tạo nên bộ mặt văn minh, thân thiện cho Thành phố Hồ Chí Minh./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- môi trường
- xây dựng