Tiềm năng của thành phố Nha Trang, đặc biệt là tiềm năng từ biển, đảo đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển thành phố và vươn mình để trở thành một trong những địa chỉ vàng về du lịch - nghỉ dưỡng của quốc gia, quốc tế.
TTXVN - Ngày 18/3, UBND thành phố Nha Trang phối hợp với Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học: “Thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa phồn vinh và hạnh phúc”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định các giải pháp tốt nhất giúp Khánh Hòa bổ sung, góp phần hoàn chỉnh hệ thống các giải pháp phát triển đô thị Nha Trang.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh, nêu rõ: Nha Trang là một tổng thể hài hòa phong phú đặc sắc với đầy đủ các yếu tố núi non, sông, biển, hải đảo, đồng ruộng, đầm phá... và cũng là một hình mẫu tự nhiên hiếm có của các hệ thống vịnh, vũng trên thế giới với sự giàu có về đa dạng sinh học, có hầu hết các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới. Vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới.
Nhiều thập niên qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Kinh tế của thành phố có sự phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Tiềm năng của thành phố, đặc biệt là tiềm năng từ biển, đảo đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển thành phố và vươn mình để trở thành một trong những địa chỉ vàng về du lịch - nghỉ dưỡng của quốc gia, quốc tế.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: Để có một thành phố phồn vinh, hạnh phúc cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Thời gian tới Nha Trang cần tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống giải pháp trên các lĩnh vực, hướng đến sự phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc. Trước tiên, việc xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang phải nằm trong tổng thể xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển nhất của tỉnh về văn hóa, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, hạ tầng, giao thông…
Tại hội thảo, 18 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trình bày đã đề cập đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng, quy hoạch... như: Chiến lược để thành phố Nha Trang phát triển vươn tầm khu vực, thế giới và trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu; giải pháp để Nha Trang phát triển đột phá trở thành một trong ba vùng kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh và là đô thị thông minh; giải pháp để thành phố chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả và trở thành thành phố thông minh; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các nhà khoa học còn gợi ý Nha Trang phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành trung tâm du lịch với các loại hình dịch vụ du lịch đa dạng, đặc thù đẳng cấp quốc tế gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của thành phố...
Nói về lợi thế của Nha Trang, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, Nha Trang có vị trí địa lý “đắc địa” - nằm ở trung tâm tỉnh Khánh Hòa, nằm giữa 2 trọng điểm phát triển khác là Vân Phong và Cam Ranh. Cần đặt sự phát triển của Nha Trang trong tổng thể phát triển của 3 vùng trọng điểm phát triển của tỉnh Khánh Hòa, của vùng cũng như của cả nước.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Nha Trang thực sự hội tụ các yếu tố của một đô thị biển đẹp quyến rũ, đáng sống và giàu tiềm năng phát triển. Trong hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển, không thể chia cắt mối liên kết chặt chẽ giữa hai mảng không gian đô thị và biển, đảo. Cần tiếp tục đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển; phát huy các giá trị biển, đảo mà thiên nhiên ưu đãi để xây dựng không chỉ một “Nha Trang đất liền”, mà còn gắn kết một “Nha Trang biển, đảo” bền vững.
Bàn về việc phát huy vai trò đào tạo và nghiên cứu để góp phần phát triển Nha Trang, Giáo sư, Tiến sĩ Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang lưu ý: Việc đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cần gắn chặt với quy hoạch phát triển của địa phương. Trong đó nhu cầu nguồn nhân lực ở các ngành kinh tế gắn liền với biển, bao gồm: nhân lực phục vụ cho vùng du lịch biển, sinh thái biển, hoạt động của cảng trung chuyển container quốc tế; nhân lực phục vụ các dự án công nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh - đô thị bền vững và các khu du lịch ven biển.
Trao đổi về việc bảo tồn thiên nhiên để góp phần phát triển bền vững ngành du lịch biển ở Nha Trang, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho rằng: Hầu hết các đảo và vùng ven biển đang được khai thác sử dụng bởi các doanh nghiệp du lịch. Việc giao mặt biển cho doanh nghiệp đã được thực hiện nhưng hiệu quả quản lý và sử dụng còn nhiều bất cập. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đất liền đối với Vịnh Nha Trang và phát triển mạnh mẽ du lịch cao cấp của thành phố, việc đề nghị UNESCO công nhận phức hợp Hòn Bà - Sông Cái - vịnh Nha Trang là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được giới khoa học đề nghị và là hướng đi phù hợp thời đại của thành phố./.