Nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động đem lại những hiệu quả rõ rệt; góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Thời gian qua, việc duy trì thực hiện các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dần đi vào nền nếp. Nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động đem lại những hiệu quả rõ rệt; góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
*Góp phần bảo tồn và trao truyền tinh hoa văn hóa
Thị xã Sơn Tây là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện thị xã có hơn 400 di tích và các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó 80 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia như: Đền Măng Sơn, Đền Và, Đình Đông Sàng, làng cổ Đường Lâm… Thị xã cũng có 99 đạo sắc phong đã được UBND thành phố công nhận là thư tịch quý, 65 lễ hội truyền thống... Thời gian qua, việc triển khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng được thị xã thực hiện đồng bộ, rộng rãi đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Hiện 100% điểm công cộng, các điểm di tích, du lịch, khu vui chơi giải trí được in, treo pano quy tắc ứng xử nơi công cộng. Nhiều cách làm hay, phát huy hiệu quả tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân được thực hiện. Từ đó, dần hình thành những chuẩn mực văn hóa của tổ chức, cá nhân nơi công cộng, chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỷ cương, trách nhiệm, tận tình và thân thiện.
Việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử trên địa bàn thị xã góp phần bảo tồn và trao truyền tinh hoa văn hóa xứ Đoài cho các thế hệ mai sau. Tại chùa Mía, việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần giúp địa phương, trong đó có chùa Mía giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Việt không bị mai một.
Tuy nhiên, để việc tuyên truyền quy tắc ứng xử hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương, các ban quản lý, các di tích và nhân dân. Các đơn vị cần lưu ý lựa chọn người truyền thông điệp và phân loại các đối tượng tiếp nhận thông tin để có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Thời gian tới, thị xã Sơn Tây sẽ tiếp tục nâng tầm giá trị văn hóa xứ Đoài; xây dựng người Sơn Tây – Hà Nội thanh lịch, văn minh nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới.
*Tạo nếp ứng xử văn minh tại các di tích
Thôn Đình Trung và thôn Đường Nhạn Xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội trước đây cùng chung một làng mang tên Nhạn Tái. Trải qua nhiều năm và sự chia tách địa giới, hai thôn vẫn cùng chung 1 đình làng. Đình làng Nhạn Tái ngày nay thờ 6 vị Thành hoàng. Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, đình làng đã xuống cấp và một số hạng mục bị hư hỏng.
Được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, xã và thể theo nguyện vọng của nhân dân, đình làng Nhạn Tái được tu bổ, tôn tạo phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Để triển khai mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại đình làng Nhạn Tái, 2 năm qua, UBND Xã Xuân Nộn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động.
Theo đó, UBND xã tuyên truyền vận động các hộ gia đình sinh sống quanh đình làng và người dân địa phương thực hiện tốt trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn nhằm bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bạn bè thực hiện tốt các quy tắc ứng xử nơi công cộng, biến hành động trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người dân, du khách khi đến tham quan, vãn cảnh. UBND xã tổ chức hội nghị tuyên truyền an toàn thực phẩm, quy tắc ứng xử nơi công cộng và ký cam kết cho các hộ kinh doanh trên địa bàn xã, đặc biệt là 15 hộ kinh doanh tại khu chợ sau đình làng; tuyên truyền quy tắc ứng xử cho 350 cán bộ hội viên phụ nữ trong 2 thôn Đình Trung và Đường Nhạn, từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa; giáo dục niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô thông qua việc thực hiện quy tắc ứng xử.
Xuất phát từ thực tiễn những nơi tâm linh như: đình, đền, chùa là nơi thờ tự mà chị, em phụ nữ thường xuyên đến lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xác định việc thực hiện mô hình “Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu” rất thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, thể hiện vai trò và sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên trong thực hiện quy tắc ứng xử, nhằm tạo ra sự thay đổi về hành vi ứng xử, diện mạo, cảnh quan khu vực di tích. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn tạo các khu di tích lịch sử trên địa bàn xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với thôn, ngành, đoàn thể dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ phía trong và ngoài khuôn viên đình làng.
Hội vận động 8 hộ gia đình sinh sống xung quanh khuôn viên chung tay xây dựng tuyến đường xung quanh thành tuyến đường xanh – sạch - đẹp – nở hoa. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã lên phương án trồng 350 gốc hoa ngũ sắc tím rủ, 350 gốc hoa bỏng, 4 gốc hoa hồng, 300 gốc hoa cúc… và vận động xã hội hóa được 100 gốc mộc để trồng trong khuôn viên đình làng, do cán bộ, hội viên phụ nữ xã đảm nhận chăm sóc. Hội cùng chị em trong Chi hội đã hỗ trợ các hộ gia đình gạch, đất để xây bồn hoa, hỗ trợ giống hoa trồng quanh khuôn viên trước cổng nhà các hộ gia đình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tặng 2 thùng rác đôi đặt trong khuôn viên đình; 10 thùng sơn tái chế để đựng rác và trồng hoa đặt tại trục đường phía ngoài cổng đình nhằm giảm thiểu chất thải rắn, chất thải ô nhiễm môi trường. Hội kết hợp với Ban Văn hóa, Thông tin xã in ấn bộ quy tắc ứng xử văn minh, di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu để treo bên trong khuôn viên đình làng để hưởng ứng phong trào chung tay hành động vì Đông Anh xanh – sạch – đẹp.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Nộn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa kiểu mẫu” đến 6 thôn còn lại trên địa bàn xã để các khu di tích là những điểm đến an toàn, hấp dẫn. Qua đó, góp phần tạo nên nếp ứng xử văn minh, cảnh quan sạch đẹp cho các di tích./.