An sinh

Xây dựng văn hóa ứng xử, giao thương đậm nét văn hóa xứ Huế

Thừa Thiên Huế

Chị Hoàng Thị Như Thanh luôn ưu tiên lợi ích của các tiểu thương cũng như lấy phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ" làm tôn chỉ cho mọi hoạt động của chợ Đông Ba.

Chị Hoàng Thị Như Thanh (phải) luôn quan tâm tâm tư, nguyện vọng của các bà con tiểu thương chợ Đông Ba. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

TTXVN - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba Hoàng Thị Như Thanh (sinh năm 1980) vinh dự là một trong 6 điển hình cả nước báo cáo thành tích tại buổi gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp diễn ra tại Hà Nội. Chị Như Thanh đã có nhiều đóng góp trong quá trình thay đổi diện mạo chợ Đông Ba, tạo được niềm tin trong bà con tiểu thương, góp phần xây dựng chợ trở thành điểm sáng thương mại, văn hóa của thành phố Huế.

* Nữ cán bộ "dân vận khéo"

Hơn 3.000 tiểu thương, người lao động ở chợ Đông Ba, thành phố Huế đã rất quen với những cái vỗ vai động viên hay lời hỏi thăm mỗi ngày của chị Hoàng Thị Như Thanh. Là lãnh đạo của một ngôi chợ truyền thống lớn bậc nhất cả nước, chị Thanh luôn ưu tiên lợi ích của các tiểu thương cũng như lấy phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ" làm tôn chỉ cho mọi hoạt động của chợ.

Điều đặc biệt ở chị là sự khéo léo trong ứng xử với tiểu thương và người lao động. Chị nghiêm túc, quyết đoán trong mọi công việc nhưng khi tiếp xúc bà con lại hòa nhã, tình cảm. Quyết tâm chấn chỉnh văn hóa ứng xử tại chợ, chị áp dụng cách làm thưởng phạt công bằng, minh bạch và rõ ràng để làm gương cho các tiểu thương. Nhưng khi họ gặp khó khăn, chị Thanh sẵn sàng là hậu phương tinh thần, hỗ trợ vật chất.

Với gian hàng giải khát nhỏ tại chợ Đông Ba, bà Châu Thị Thuận (59 tuổi) thường xuyên gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, sức khỏe yếu, lượng khách thất thường theo mùa. Mỗi khi bà Thuận có chuyện, chị Thanh đều xuất hiện kịp thời để khích lệ và hỗ trợ vốn kinh doanh.

Chứng kiến sự vất vả của các lao động bốc vác, những người bán vé số ở chợ, chị Thanh kêu gọi toàn thể tiểu thương khởi động những nồi cơm yêu thương, tủ mì 0 đồng. Nhờ đó, hàng chục nghìn phần cơm, bánh mì đã được trao đi. "Hầu hết mọi người đều tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của cô Thanh vì cô là người có tài, có đức, tinh thần trách nhiệm cao. Những gì cô Thanh làm, từ nhỏ đến lớn đều khiến các tiểu thương khâm phục và nể trọng", bà Thuận chia sẻ.

Còn nhớ sự kiện Đêm Đông Ba diễn ra cách đây hơn một năm, hàng trăm diễn viên không chuyên của chợ trong trang phục áo dài lần đầu được bước trên sân khấu, trình diễn các tiết mục tái hiện hoạt động buôn bán trong suốt 123 năm hình thành và phát triển chợ. "Đó là một sự kiện lớn, kỷ niệm đẹp nhất mà tôi từng được tham gia trong suốt hơn 30 mưu sinh ở chợ. Khi cô Thanh đưa ra ý tưởng về Đêm Đông Ba, các chị em đều hưởng ứng hào hứng. Khoác lên mình tà áo dài truyền thống, tiểu thương lần nữa được khơi dậy tình yêu sâu sắc đối với chợ và hồi ức về những tháng ngày thăng trầm ở chợ", bà Nguyễn Thị Minh Hiếu (56 tuổi, quầy hàng mỹ phẩm) bộc bạch.

Một nữ lãnh đạo trẻ, năng động như chị Thanh luôn dám nghĩ, dám làm, đưa ra những quyết định mà xưa nay chưa từng có tiền lệ ở chợ Đông Ba. Khi thấy bà con lo sợ vì tình trạng ngôi chợ xuống cấp, chị Thanh vận động bà con đóng cửa 10 ngày để gấp rút sửa chữa toàn bộ lầu chuông - khu nhà 3 tầng trung tâm chợ. Không một ai màng đến lợi ích cá nhân mà "răm rắp" nghe theo chỉ đạo của chị Thanh để hoàn thiện mục tiêu chung.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế Trần Hùng Nam đánh giá, đồng chí Hoàng Thị Như Thanh là một người con có tình yêu mãnh liệt đối với Huế. Vận dụng những kinh nghiệm kỹ năng và sự linh hoạt trong điều hành công việc, đồng chí đã tạo được tiếng nói chung giữa Ban Quản lý chợ và bà con tiểu thương. Từ đó, xây dựng khối đoàn kết, phát triển chợ theo đúng mục tiêu thành phố đặt ra là xây dựng một hệ sinh thái văn minh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc.

Chị Hoàng Thị Như Thanh trong một cuộc họp với bà con tiểu thương chợ Đông Ba. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

* Làm mới chợ Đông Ba truyền thống

Chợ Đông Ba có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thành phố Huế không chỉ ở mặt kinh tế mà còn cả ở khía cạnh văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, trải qua hơn 123 tuổi, chợ ngày càng xuống cấp về hạ tầng lẫn văn minh thương mại, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế và hình ảnh văn hóa, con người Huế.

Khôi phục lại vị thế chợ là một nhiệm vụ quan trọng được Ban Thường vụ Thành ủy Huế đặt ra. Từng là một cán bộ Công đoàn chịu thương, chịu khó, đạo đức tốt, gần gũi với nhân dân, mạnh dạn và có kỹ năng vận động quần chúng, tổ chức công việc tốt, chị Hoàng Thị Như Thanh được Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng nói trên.

Từ sự quan tâm của Ban Thường vụ Thành ủy Huế cùng nguồn xã hội hóa, tập thể chợ đã chỉnh trang cơ sở hạ tầng và cảnh quan chợ ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Không còn tình trạng các sạp hàng lấn chiếm, hàng hóa bày bán tràn trên lối đi. Các ki-ốt được sửa sang gọn gàng, đẹp mắt. Các lối đi, cầu thang, hành lang, cổng chợ trở thành điểm check-in cho các bạn trẻ, khách hàng khi đến chợ.

Hai năm qua, ở chợ không còn xảy ra nạn móc túi, trộm cắp. Các câu lạc bộ võ thuật của Đội trật tự, bảo vệ chợ được tổ chức, phát huy hiệu quả. Với sự hỗ trợ của các tiểu thương, hàng trăm camera giám sát đã được lắp đặt xung quanh chợ, giúp bà con và khách hàng thêm phần an tâm, thoải mái khi đến chợ mua sắm.

Khéo công tác dân vận, chị Thanh đã thuyết phục, vận động thành công hàng ngàn tiểu thương xây dựng văn hóa chợ "Văn minh, thân thiện là người Đông Ba" gắn với phong trào "3 không 2 có" (không mì xưa, không nói thách, không chèo kéo và có uy tín, có chất lượng). Nhiều người đến chợ mua sắm gần đây đều có những ấn tượng đẹp về văn hóa buôn bán, "Nụ cười Đông Ba" của các tiểu thương. Ngôi chợ truyền thống đang dần trở thành một trung tâm giao thương mang đậm văn hóa, tinh hoa của xứ Huế.

Chị Hoàng Thị Như Thanh chia sẻ, diện mạo của chợ hôm nay là quá trình nỗ lực, đoàn kết của tập thể. Ban Quản lý chợ lắng nghe tâm tư của tiểu thương, người lao động; công bằng, minh bạch trong mọi hoạt động. Bằng các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao thường xuyên, mối quan hệ giữa cán bộ Ban Quản lý và tiểu thương ngày càng khăng khít hơn.

Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên theo dõi, sát cánh cùng đồng chí Thanh để khắc phục những khó khăn, chỉnh đốn lại hình ảnh chợ. Bằng sự nỗ lực và nhiệt huyết của, đồng chí Thanh và Ban Quản lý chợ đã dẫn dắt tập thể hoàn thành xuất sắc những mục tiêu mà thành phố đặt ra; đem lại niềm vui, sự tự hào cho người dân địa phương. Từ những gì đồng chí Thanh làm, nhiều tiểu thương nhận thức được vai trò, sức mạnh lãnh đạo của Đảng và tự nguyện phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do đó, Chi bộ tiểu thương ở chợ được hình thành và tổ chức Đảng bộ chợ Đông Ba ngày càng vững mạnh. Đây là điều đặc biệt mà Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá rất cao.

Với những cống hiến của mình, chị Hoàng Thị Như Thanh vinh dự nhiều năm liền là "Công dân tiêu biểu" của tỉnh Thừa Thiên - Huế; nhận Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Dưới sự dẫn dắt của chị, tập thể chợ Đông Ba đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi nhận nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Toàn dân xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng - xanh -sạch, không rác thải./.

Mai Trang

Xem thêm