Phát triển nguồn nhân lực được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
TTXVN - Ngày 28/10, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo hợp tác đào tạo và giải quyết việc làm giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái với các tổ chức, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 3 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 6 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 2 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục. Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư để đến năm 2025, trở thành một trong 70 trường chất lượng cao của cả nước có các nghề đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN và chuẩn quốc gia.
Ông Trần Huy Tuấn khẳng định, phát triển nguồn nhân lực được tỉnh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mong muốn các đại biểu chia sẻ những mô hình, cách làm hay, những giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là nhân rộng mô hình hợp tác với doanh nghiệp như Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đang hợp tác đào tạo với Công ty LG Hải Phòng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về hợp tác đào tạo, giới thiệu việc làm giữa các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các doanh nghiệp của Hàn Quốc, doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Qua đó, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách đối với các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp, đồng hành, hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định, đơn vị sẽ đồng hành, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho lực lượng lao động Yên Bái phù hợp với trình độ đào tạo. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ về nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng người lao động, thông tin các cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc, phúc lợi xã hội nhằm thu hút lực lượng lao động Yên Bái. Đồng thời mong muốn, sau Hội thảo, các sở, ngành, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp của Hải Phòng để hợp tác đạt hiệu quả cao.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các trường dạy nghề của tỉnh Yên Bái và các tổ chức của Hàn Quốc (KOCHAM); các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo.
Sáng cùng ngày, tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, UBND tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức khai mạc Ngày hội việc làm năm 2023, kết nối doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động.
Ngày hội đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm tham gia, với 46 gian hàng giới thiệu, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Ngày hội mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề như: Điện, điện tử, năng lượng, cơ khí, sản xuất và lắp ráp, may mặc, dịch vụ…
Mỗi năm, tỉnh Yên Bái đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động; giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 lao động; chuyển dịch từ 5.000 - 7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong đó, tỉnh chú trọng nhiều kênh giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết việc làm ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngày hội việc làm được tỉnh Yên Bái tổ chức thường niên với ý nghĩa kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động. Qua đó, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động./.