Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Dào San là xã vùng cao biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ, có 5 dân tộc sinh sống, trong đó người Mông chiếm 80%. Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Từ năm 2022 tới nay, xã có 19 cặp tảo hôn (chủ yếu đồng bào Mông).
(TTXVN)- Lai Châu là tỉnh biên giới với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Huyện Phong Thổ có số cặp tảo hôn cao nhất tỉnh Lai Châu với 85 cặp trong năm 2022, tăng 18 cặp so với năm trước; trong đó có 35 cặp tảo hôn vợ hoặc tảo hôn chồng và 50 cặp tảo hôn cả vợ chồng.
Dào San là xã vùng cao biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ, có 5 dân tộc sinh sống, trong đó người Mông chiếm 80%. Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Từ năm 2022 tới nay, xã có 19 cặp tảo hôn (chủ yếu đồng bào Mông).
Em Phàn Thị Pàng, ở bản Hợp 1, xã Dào San làm mẹ khi mới 15 tuổi. Em Pàng cho biết, nhà em ở bản Dền Thàng, cách bản Hợp 1 gần 10km. Sau một năm quen và tìm hiểu anh Thào A Thông, chúng em về ở với nhau và có con được hơn 4 tháng tuổi. Lúc lấy nhau, chồng em 18 tuổi còn em 14 tuổi. Do chưa đủ tuổi, vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn, chưa tổ chức đám cưới.
Căn nhà nhỏ chỉ khoảng 50 - 60m2 nhưng là nơi ở của 3 thế hệ với 7 người. Chồng Pàng đang đi làm thuê ở tỉnh Hà Nam để có tiền nuôi gia đình. Một mình Pàng vừa phải chăm con vừa phụ giúp bố mẹ chồng công việc nhà, đồng ruộng.
Em Châu Thị Sang, ở bản Hợp 1, xã Dào San lấy chồng năm 2022 khi mới 14 tuổi và chồng em 17 tuổi. Do chưa đủ tuổi, vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn, chưa đăng ký khai sinh và con không được hưởng các chế độ bảo hiểm.
Tảo hôn không chỉ dẫn đến nghèo đói, thất học mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoàn - Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, mỗi tháng, Khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhưng chỉ từ 14-18 tuổi tới sinh con. Theo nghiên cứu, ở độ tuổi vị thành niên, cơ thể các em chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên. Sinh con ở độ tuổi này sẽ ảnh hưởng cho cả mẹ và con như: Các di chứng bệnh tật cả mẹ và con, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gấp đôi; tỷ lệ tử vong của người mẹ mang thai, sinh đẻ sớm cao gấp 5 lần so với những người mẹ trên 20 tuổi.
Cũng vì tảo hôn không đăng ký kết hôn, khi nằm viện, con không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc sinh ra, không được ăn đủ chất dinh dưỡng, chất lượng sữa cho con bú không đảm bảo.
Ông Vương Biên Thùy, Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết, tảo hôn đang là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền xã, làm ảnh hưởng tới mọi mặt như chất lượng dân số, kế hoạch hóa gia đình, kinh tế, văn hóa - xã hội. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Xử lý vi phạm hành chính nhằm răn đe, ngăn chặn tảo hôn; chỉ đạo 13 bản trên địa bàn đưa việc tảo hôn và những hình thức xử phạt vào quy ước, hương ước của bản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới toàn thể nhân dân. Địa phương chú trọng lựa chọn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số am hiểu phong tục tập quán, tiếng dân tộc để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xuống từng bản phối hợp với già làng, trưởng bản phân tích, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, hệ lụy của tảo hôn và vận động kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật, không tảo hôn. Từ đầu năm tới nay, xã Dào San xử lý vi phạm hành chính 3 cặp tảo hôn với số tiền 7 triệu đồng.
Xác định tảo hôn là một trong những rào cản sự phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Lai Châu tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 của Chính phủ. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, tập huấn cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em; biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết để cấp phát cho các xã, thôn, bản...
Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở các huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu có 517 cặp tảo hôn (tăng 4 cặp so với năm 2021), trong đó 194 cặp tảo hôn vợ, 100 cặp tảo hôn chồng, 223 cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Độ tuổi tảo hôn dưới 16 là 130 người, từ 16 đến dưới 18 là 334 người.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào để từng bước giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn./.