Thành phố Hồ Chí Minh dành 8.000 tỷ đồng/năm trợ vốn người lao động để phòng tránh “tín dụng đen”
Trọng tâm của chương trình là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ tổ chức Công đoàn và các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân khác trong việc đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên, người lao động.
TTXVN - Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trong giai đoạn 2023 - 2028 có 1,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được vay vốn từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP với doanh số phát vay bình quân 8.000 tỷ đồng/năm. Các cấp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc Công đoàn Thành phố duy trì từ 25% - 30% số dư tài chính tích lũy (không gồm quỹ đầu tư) gửi tiết kiệm tại Tổ chức Tài chính vi mô CEP để tạo thêm nguồn trợ vốn cho đoàn viên, người lao động thuộc phạm vi quản lý. Đây là một trong những chỉ tiêu được các cấp Công đoàn Thành phố nhất trí và nỗ lực thực hiện tại Hội nghị góp ý dự thảo chương trình “Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên người lao động, góp phần tham gia phòng, chống “tín dụng đen” giai đoạn 2023 - 2028" do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/10.
Theo ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Tài chính Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trọng tâm của chương trình là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ tổ chức Công đoàn và các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân khác trong việc đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên, người lao động; tăng cường khả năng tiếp cận, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn thông qua hoạt động trợ vốn; mở rộng phạm vi phục vụ, nâng cao năng lực của tổ chức Tài chính vi mô CEP trong các hoạt động tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả chương này, ông Cao Xuân Dương cho rằng, việc triển khai cần đảm bảo đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Tổng Liên đoàn. Công đoàn các cấp cần cụ thể hóa chương trình, xây dựng kế hoạch và triển khai, đảm bảo sát mục tiêu, nội dung và các giải pháp của chương trình tổng thể gắn với Nghị quyết Đại hội Công đoàn tại mỗi cấp; đồng thời cần phát huy tính chủ động, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện gắn với quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị.
Đồng tình với chương trình, mục tiêu phấn đấu của Công đoàn Thành phố, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho đây là một trong những giải pháp căn cơ để ngăn ngừa, phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động; đánh giá cao hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô CEP thông qua việc trợ vốn cho người lao động cải thiện trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống. “Điều này còn giúp doanh nghiệp không bị quấy rối bởi “tín dụng đen” mà tập trung cho nguồn vốn sản xuất kinh doanh; đặc biệt là giúp công nhân lao động yên tâm với công việc…”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng đề xuất Tổ chức Tài chính vi mô CEP cần có những chính sách, quy chế, quy định, mở rộng đối tượng công nhân, người lao động được vay, nhất là những người mới vào làm bởi hầu hết họ chưa là đoàn viên Công đoàn, công việc chưa thật sự ổn định và gặp nhiều khó khăn hơn so với những người đã làm lâu năm. Tổ chức cũng cần tạo sự thông thoáng cho người lao động vay vốn; có những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng nợ xấu; tăng cường kết nối, phát huy vai trò của Chủ tịch Công đoàn cơ sở để công nhân, người lao động có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn hạn chế tình trạng vay vốn “tín dụng đen”.
Cũng đề cập đến những quy định cho vay vốn của Tổ chức Tài chính vi mô CEP, ông Lưu Kim Hồng, Chỉ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Tổ chức cần thông báo cụ thể hơn, rõ hơn những yêu cầu, quy định để người lao động nắm bắt và hiểu rõ các thủ tục liên quan đến vay vốn. Để tạo điều kiện cho công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn, hạn chế “tín dụng đen”, Tổ chức cần xem xét các quy định về yêu cầu mục đích sử dụng vốn vay, sử dụng vốn vay phải có hóa đơn trước khiến người vay lúng túng... Tổ chức Tài chính vi mô CEP cần triển khai các giải pháp cho vay linh hoạt, vay qua ứng dụng, nhất là những người vay lần thứ 2 trở đi và đặc biệt ưu tiên cho công nhân lao động vay trong những dịp cận Tết.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất không nên phân biệt mức hỗ trợ công nhân, người lao động chưa là đoàn viên Công đoàn vay vốn để tạo thêm niềm tin vào tổ chức Công đoàn; cần trao kiến thức về tài chính gia đình, so sánh và những rủi ro khi vay “tín dụng đen”. Các trường hợp quá khó khăn, thu nhập giảm do doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, Tổ chức cần có giải pháp giảm, giãn để hỗ trợ công nhân, người lao động.
Chia sẻ về hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô CEP, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức nêu rõ, những trường hợp được hỗ trợ vay vốn, việc cho vay được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc thu hồi vốn vay có vai trò rất lớn của Công đoàn cơ sở và người vay vốn gắn bó đồng hành với doanh nghiệp.
Ngoài việc hỗ trợ vốn cho công nhân lao động phòng, chống “tín dụng đen”, Tổ chức còn thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội chia sẻ yêu thương, vì lợi ích của cộng đồng… dành cho những trường hợp vay vốn có hoàn cảnh khó khăn. "Đặc biệt, những trường hợp đột xuất khó khăn chỉ cần xác nhận của tổ chức Công đoàn sẽ được Tổ chức giãn thời gian trả mà không tăng lãi suất; mục tiêu của Tổ chức là nỗ lực để đưa vốn đến người lao động với lãi suất thấp nhất…”, ông Nguyễn Tấn Đạt khẳng định.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tiền gửi tiết kiệm của đoàn viên, người lao động chiếm bình quân từ 30% - 35% trong cơ cấu nguồn vốn cho vay hàng năm của Tổ chức Tài chính vi mô CEP. Dư nợ cho vay đối với đoàn viên, người lao động duy trì tỷ lệ 70% trong tổng dư nợ cho vay bình quân hàng năm. 95% người lao động vay vốn từ Tổ chức được gia nhập tổ chức Công đoàn (nếu đủ điều kiện kết nạp). Đồng thời, Liên đoàn tin tưởng thông qua việc trợ vốn sẽ đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống giúp đoàn viên, người lao động chủ động phòng tránh tác hại “tín dụng đen”./.