Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu, các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, diễn ra chiều 10/7, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông, tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị; cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông như: Điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…; đồng thời đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
Báo cáo của Công an tỉnh Hà Nam cho thấy, 6 tháng qua, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh xảy ra 149 vụ (tăng 32 vụ); làm chết 71 người (tăng 2 người), bị thương 125 người (tăng 47 người).
Nguyên nhân do tỉnh Hà Nam là cửa ngõ Thủ đô kết nối với các tỉnh phía Nam. Vào các dịp lễ, tết người dân về quê và đi du lịch đông, mật độ lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến khiến trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Kỹ năng lái xe và ý thức, đạo đức nghề nghiệp của một số bộ phận còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.../.