Thời gian qua, xuất khẩu lao động được cho là một hướng đi mới giúp người dân tỉnh Đắk Lắk vươn lên thoát nghèo.
Đắk Lắk là địa phương có lực lượng lao động dồi dào. Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng kể. Đây là cơ hội giúp người lao động tăng thu nhập, thoát nghèo, làm giàu bền vững, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Tăng thu nhập, thoát nghèo
Thời gian qua, xuất khẩu lao động được cho là một hướng đi mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Với sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều người dân đã mạnh dạn tham gia các chương trình lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.
Năm 2022, gia đình chị Pí Ngãi tại buôn Ta Rao, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có người con thứ hai đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Chị Pí Ngãi cho biết, con chị làm việc tại một cộng ty chế biến thực phẩm. Công việc nhẹ nhàng, không quá vất vả, mỗi tháng, con gái gửi từ 20-30 triệu đồng về cho gia đình trả nợ, mua phân bón tái sản xuất... Nhờ số tiền con gửi về, hiện nay, gia đình đã trả bớt nợ,
“Trước đây nhà tôi hộ nghèo, nhờ con tôi đi xuất khẩu lao động gửi tiền về mang lại hiệu quả kinh tế thu nhập ổn định hơn. Tôi có tiền mua thêm máy móc, sửa sang nhà cửa. Tôi mong muốn các con em trong buôn sẽ tiếp tục đi để phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo bền vững”, chị Pí Ngãi chia sẻ.
Tại huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng hạn chế. Trong những năm qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở huyện được chú trọng. Năm 2024, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn, có hơn 3.623 người tham gia. Nhiều người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật bản, Đài Loan và các thị trường khác.
Bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Ea Súp cho biết, so với những năm trước số người đi tham gia xuất khẩu lao động tại địa phương tăng theo các năm. Đời sống người dân sau khi xuất khẩu lao động được cải thiện rõ rệt. Kinh phí sau khi về sẽ được người dân đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Đây là kênh góp phần an sinh xã hội và công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Tăng cường nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là tỉnh được đánh giá có lực lượng lao động tương đối dồi dào, người lao động nơi đây cần cù, chịu khó... đây cũng là yếu tố thuận lợi trong việc tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Từ đầu năm 2024, Trung tâm đã tìm hiểu thêm nhiều thị trường mới như: Rumani, Singapore, Ba Lan, Australia, Đức, Nga... để hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm đa dạng các thị trường để người lao động lựa chọn tham gia. Đa phần mức thu nhập tại các thị trường giao động từ 20-50 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp rất nhiều. Thông qua Trung tâm đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các thị trường đi xuất khẩu lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… có dấu hiệu bão hòa, một số thị trường mới chưa có kết quả cụ thể nên người lao động còn có nhiều băn khoăn, chưa sẵn sàng tham gia; một số lao động, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa quen môi trường làm việc xa nhà với thời gian dài nên họ chưa sẵn sàng tham gia đi xuất khẩu lao động...
Thời gian tới, Trung tâm tập trung ba giải pháp chính: Phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thông tin thị trường xuất khẩu lao động, các chính sách hỗ trợ vay vốn đến tận thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động mới, triển vọng cho lao động lựa chọn; đẩy mạnh cập nhật thường xuyên các thông tin tuyển dụng lao động trên hệ thống mạng xã hội, website, facebook, zalo... để tuyên truyền cho cho người lao động. Qua đó giúp người lao động nắm bắt kịp thời các thông tin tuyển dụng của các Doanh nghiệp, đơn vị để dễ dàng tìm kiếm việc làm, ông Nguyễn Văn Cường thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Thuân, thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024 – 2026, Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Với chỉ tiêu năm 2024, Đắk Lắk sẽ đưa 1.700 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đến nay, ngành Lao động phấn đấu sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Để đáp ứng yêu cầu đối với các địa phương, huyện nghèo, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động, Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh tăng cường chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tư vấn cho người lao động đến tận thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; các huyện xây dựng kế hoạch phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, 100% buôn đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tư vấn giải quyết việc làm trong, ngoài tỉnh, đặc biệt là xuất khẩu lao động./.
- Từ khóa:
- Xuất khẩu lao động
- tạo việc làm
- Đắk Lắk