Xây dựng Đảng

Ý kiến cán bộ, đảng viên: Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khá

Hà Nội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đất nước ta vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời đạt được kết quả khá toàn diện về nhiều mặt.

TTXVN - Từ ngày 15- 17/5/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Qua theo dõi Hội nghị, nhiều cán bộ, đảng viên đều cho rằng đất nước đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời tin tưởng và hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.

Vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức

Qua theo dõi Hội nghị, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đất nước ta vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời đạt được kết quả khá toàn diện về nhiều mặt, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội được ổn định, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng.

Việt Nam cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Đến nay, COVID-19 và các dịch bệnh khác đã cơ bản được kiểm soát. Đời sống xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại tương đối bình thường. Dù các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Các chính sách xã hội, nhất là đối với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 đã được thực hiện kịp thời. Trong công tác phòng, chống COVID-19, Việt Nam đã phát huy được truyền thống anh hùng, yêu nước, "thương người như thể thương thân" của dân tộc và tính ưu việt của chế độ ta.

Đặc biệt, trong nửa đầu nhiệm kỳ này, Trung ương Đảng đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển Vùng - vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được chỉ đạo mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Qua đó, củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

 Phát triển văn hóa, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế

Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai từ nay đến hết nhiệm kỳ; trong đó, nhấn mạnh vấn đề quan tâm hơn nữa nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hải (Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 16, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cho rằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phát triển văn hóa, xã hội vẫn đạt được kết quả nhất định. Đời sống an sinh được đảm bảo; người có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo; người mất việc làm được hỗ trợ về kinh phí; doanh nghiệp được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, công tác phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Xác định phát triển văn hóa, xã hội cần được đẩy mạnh để hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, nước ta cần có những chính sách mang tính đột phá, triển khai có hiệu quả mục tiêu đã đặt ra. Trước hết, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh, từng bước kéo gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng. Hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện, công trình văn hóa cần được đầu tư bằng cách huy động nguồn lực từ Nhà nước và xã hội hóa. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho những vùng khó khăn để triển khai các công trình dân sinh và chính sách huy động sự đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Chí Hải cho rằng, quan điểm của Đảng, Nhà nước là văn hóa là nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế. Bản sắc của mỗi quốc gia được tạo nên từ văn hóa. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển nhanh chóng của đất nước là rất cần thiết, trên cơ sở hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nước ta cần xây dựng, phát triển các hệ giá trị văn hóa để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức và thói quen mỗi người theo hướng nhân văn hơn. Nếp sống văn hóa lành mạnh được hình thành sẽ đẩy lùi những vấn đề suy thoái đạo đức và những vấn đề tiêu cực khác.

 Tiền đề hướng tới tương lai tươi đẹp hơn

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp (cán bộ hưu trí, Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Hội nghị Trung ương rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời là dịp nhìn lại và đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII của Đảng. Do đó, bà Hợp cũng như cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Bà Hợp cho biết, bà hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Hội nghị về kết quả nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII của Đảng, đặc biệt ấn tượng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Việt Nam vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56% trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%. Thêm vào đó, các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, cán cân thương mại... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định.

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Điều này cho thấy, trong bối cảnh phải đối mặt với khó khăn, thách thức mới, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, những quyết sách mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ đã "chèo lái" nước ta vượt "bão" thành công, là tiền đề để cử tri tin tưởng và hướng tới một tương lại tươi đẹp hơn.

Theo bà Hợp, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua được Hội nghị rút ra là "kim chỉ nam" để nước ta áp dụng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII./.

Nam Giang - Tuyết Mai - Đinh Thuận

Xem thêm