Ý kiến cử tri: Quy định rõ các nguồn lực để bảo vệ và phát triển nguồn nước
Các đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật thay thế Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Pháp lệnh) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994, để đáp ứng tình hình mới.
TTXVN - Sáng 10/5, tại Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thành phố Bà Rịa), bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham gia Hội nghị lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân tại địa bàn tỉnh và các đơn vị hành chính có liên quan đóng góp ý kiến cho dự án Luật.
Đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự, các đại biểu tham dự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật thay thế Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Pháp lệnh) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994, để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. Việc xây dựng Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh, hoàn thiện quy định về nội dung quản lý, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, làm cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ; xây dựng chính sách đối với các khu vực bị hạn chế các hoạt động do yêu cầu của công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thay cho Pháp lệnh, các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và thống nhất với các quy định chung của pháp luật liên quan. Dự thảo Luật cần thể hiện được sự quan tâm đến thực trạng quản lý, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu vực quân sự cũng như các chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm; cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao, sử dụng đất công trình quốc phòng, khu quân sự.
Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu tập trung góp ý chỉnh sửa, đảm bảo đúng yêu cầu thực tiễn và tính khả thi trong áp dụng Luật. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước, chất lượng cho các mục đích sử dụng, đảm bảo hệ sinh thái và môi trường, giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Cùng với đó, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước; sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước.
Các đại biểu cũng cho rằng nên quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước...
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và cho rằng dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung đáp ứng các yêu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng về khai thác tài nguyên nước, bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách mới trong quản lý tài nguyên nước.
Kết luận Hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận những ý kiến đóng góp chất lượng của đại biểu. Từ nay đến ngày diễn ra kỳ họp sắp tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp bằng văn bản, diễn giải cụ thể ý kiến để cơ quan chức năng ghi nhận và chỉnh sửa phù hợp với thực tế. Đoàn sẽ tổng hợp ý kiến, chọn lựa những nội dung tiêu biểu trình Quốc hội./.
- Từ khóa:
- Bà Rịa - Vũng Tàu
- cử tri
- Pháp lệnh
- luật