Cái đích đến cuối cùng của y tế thông minh là phục vụ người bệnh. Dù sử dụng ứng dụng nào nhưng nếu người dân không dùng, không hưởng ứng thì là thất bại
(TTXVN) Y tế thông minh cần hướng đến người dân, phục vụ người dân và ứng dụng y tế thông minh phải mang lại lợi ích, được người dân hưởng ứng, sử dụng. Đây là ý kiến của các đại biểu tại buổi giám sát về Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh với Sở Y tế, ngày 15/11.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế Thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động, hướng đến y tế thông minh. Cụ thể, Sở Y tế đã xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân thành phố với mục tiêu tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; hiện đã tạo được trên 5.000 hồ sơ. Dự kiến đến năm 2025 mỗi người dân thành phố đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Song song đó, các bệnh viện ưu tiên nguồn lực trong đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử. Hiện nay, 22/25 bệnh viện đã trang bị phần mềm quản lý bệnh viện HIS, 53/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS), 36/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS), 11/53 bệnh viện có hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), 41/55 bệnh viện đã xây dựng Kế hoạch triển khai bệnh án điện tử; 22/28 bệnh viện hạng 1 đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế.
Các bệnh viện đều chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng thêm các tiện ích cho người bệnh như ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, ngành Y tế đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng y tế thông minh bởi hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng ở các cơ sở y tế chưa được đầu tư đúng mức.
Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện được triển khai từ rất sớm, không được nâng cấp kịp thời. Do đó, công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, rất khó khăn khi ứng dụng chữ ký số để thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không đảm bảo được tính toàn vẹn dữ liệu.
Chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được tính vào chi phí thu viện phí, dẫn đến việc đầu tư mới và tái đầu tư trong quá trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở y tế phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để đầu tư.
Thời gian thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin còn kéo dài do thủ tục đầu tư phức tạp nên đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin không dễ dàng, không đồng bộ ở các cơ sở y tế. Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin trong môi trường y tế hiện nay còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y tế vẫn còn rất thấp.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới y tế thông minh mới chỉ dừng lại phục vụ cho việc quản lý chung của ngành, còn hoạt động của các bệnh viện và người dân thụ hưởng ra sao thì chưa thực sự được quan tâm.
Trong khi đó, quan trọng nhất là người dân, người bệnh thụ hưởng các ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào. “Cái đích đến cuối cùng của y tế thông minh là phục vụ người bệnh. Dù sử dụng ứng dụng nào nhưng nếu người dân không dùng, không hưởng ứng là thất bại”, Tiến sĩ Lê Trường Giang nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Trường Giang cho rằng, ngành Y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc hướng tới y tế thông minh bởi ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế rất phức tạp, mỗi đơn vị lại có một đặc thù riêng. Thực tế, việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới y tế thông minh ở các đơn vị không giống nhau, khiến công tác quản lý của Sở Y tế gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, vấn đề nhân lực công nghệ thông tin rất nan giải, mỗi nhân sự cần làm việc trong các bệnh viện từ 3-5 năm mới có thể am hiểu hết được lĩnh vực y tế. Do đó, Thành phố cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển y tế thông minh.
Đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngành Y tế Thành phố cần xem xét lại việc người dân hưởng ứng, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai như thế nào, trong đó chú trọng đến tần suất sử dụng, tính hiệu quả của các ứng dụng.
Bên cạnh đó, ngành Y tế phải tổng hợp đánh giá nguồn lực, tổng hợp (từ ngân sách, của các đơn vị, hợp tác công - tư) để làm sao tất cả các cơ sở y tế đều hưởng ứng, tạo ra sự đồng bộ trong phát triển y tế thông minh với mục tiêu người dân dù khám bệnh ở đâu cũng có thể tích hợp, liên kết được.
Trước mắt, ngành Y tế cần nghiên cứu vấn đề liên thông giữa các bệnh viện, ban đầu thử nghiệm liên kết ở một vài bệnh viện, sau đó mở rộng ra toàn thành phố. Ngành Y tế tham mưu, đề xuất một số chính sách đặc thù để hỗ trợ việc thực hiện Đề án Y tế thông minh như hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin… không chỉ cho bệnh viện công mà cả các đơn vị tư nhân.
Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành với mục tiêu chung là triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành Y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược y tế góp phần nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe của người dân./.
- Từ khóa:
- khám chữa bệnh từ xa