Xã hội

Yên Bái huy động tổng lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Yên Bái

Tỉnh Yên Bái đã lượng huy động trên 10.850 người tham gia chống lũ, khắc phục hậu quả.

Lực lượng công an thành phố Yên Bái giúp người dân phường Hồng Hà di chuyển ra khỏi khu vực ngập úng trong đêm 8/9. 
 Ảnh: PV TTXVN 

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã làm nước lũ dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tổn thất khá nặng nề về người và tài sản. Trước tình hình trên, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái đang nỗ lực chống lũ, chủ động triển khai các lực lượng để ứng phó và xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra.

Thông tin về tình hình chống lũ và khắc phục hậu quả trong 2 ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh Yên Bái đã lượng huy động trên 10.850 người tham gia chống lũ, khắc phục hậu quả. Huy động tổng lực về các phương tiện để đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường. Khắc phục nhanh nhất hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới, nước sạch...

Tỉnh cũng đã tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.

Lực lượng công an thành phố Yên Bái giúp người dân phường Hồng Hà di chuyển ra khỏi khu vực ngập úng trong đêm ngày 8/9. 
Ảnh: TTXVN phát

Đối với công tác di dời người và tài sản, toàn tỉnh đã di dời 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; di dời 2.337 nhà người và tài sản đến chỗ ở tạm thời. Đối với các hộ bị ngập hơn 10.300 nhà, đến nay đã di dời 41.590 người đến nơi đảm bảo an toàn. Riêng thành phố Yên Bái có 7.934 hộ bị ngập nước, đã di dời tạm thời 7.934 hộ tương đương 31.730 người. Hiện ước tổng thiệt hại do mưa lũ trong những ngày qua khoảng 73 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mực nước lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên nhẹ, mực nước lúc 09h/10/9 là 35,25m (trên BĐ3: 3,25m). Dự báo trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao, nhiều địa phương vẫn bị chia cắt, cô lập, cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở taluy, úng ngập trên diện rộng, việc tiếp cận cứu trợ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Có mặt và chỉ đạo trực tiếp tại khu vực ngập sâu nhất của phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Tạ Văn Long yêu cầu chính quyền và lực lượng hỗ trợ ưu tiên tối đã về nhân lực và phương tiện để cứu người bị kẹt trong các nhà bị ngập, đồng thời nhanh chóng vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống để tiếp tế cho người dân. Quan tâm chăm sóc về y tế cho người già và trẻ nhỏ, hạn chế thấp nhất tổn hại về con người.

Tỉnh Yên Bái đã đề nghị Quân khu II hỗ trợ ngay về phương tiện để tổ chức cứu trợ cho các địa phương của Yên Bái; huy động lực lượng chuyên nghiệp, để có những giải pháp phù hợp trong cứu hộ, cứu nạn, nhất là việc di dời các hộ dân những vùng xung yếu, hộ dân ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết.

Tiếp tục quan tâm đến diễn biến thời tiết, việc xả lũ của các thủy điện, đặc biệt quan tâm cứu hộ, cứu nạn, nhất là phương án tiếp tế cho người dân tại các địa bàn đang khó tiếp cận. Đối với những vị trí có nguy cơ sụt sạt cao, chính quyền sở tại chủ động tiếp tục di dời người và tài sản; triển khai các giải pháp về khắc phục tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm, nhất là sớm khắc phục điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, xăng dầu... Để chuẩn bị khi nước rút, tỉnh Yên Bái đã thành lập lực lượng liên ngành, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau lũ theo kế hoạch đã định.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà. 
 Ảnh: PV TTXVN

Tính đến sáng ngày 10/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 28 người chết và mất tích, 10 người bị thương. Trong đó 22 người chết do sạt lở đất ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và thành phố Yên Bái; 6 người ở huyện Lục Yên và thành phố Yên Bái hiện vẫn đang mất tích. 10 người bị thương ở thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Văn Yên.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, tính đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm vị trí bị sạt sở, cống bị cuốn trôi khiến giao thông bị tê liệt nhiều giờ ở nhiều địa phương. Điển hình như Quốc lộ 32 có trên 100 vị trí sạt lở taluy, tổng khối lượng khoảng 6.500 m3; có 5 vị trí bị lũ cuốn trôi gây tắc đường. Các tuyến đường còn lại đều có hàng chục vị trí bị sạt lở, lũ cuốn và nước ngập, ước tổng khối lượng đất đá khoảng hơn 32 .000 m3.

Ngoài ra, có 25 công trình thủy lợi bị sập, gãy đổ, bồi lấp kênh, ngập sâu; có 46 cột điện cao, trung và hạ áp bị đổ gẫy, đứt hơn 1.500 mét dây; có 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone bị mất sóng do sét đánh; 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc; 05 tuyến cáp quang nội tỉnh bị gián đoạn, trong đó còn 03 tuyến các quan chưa khắc phục được. Ước tổng thiệt hại khoảng 73 tỷ đồng…/.

PV

Tin liên quan

Xem thêm