Tỉnh Yên Bái đã triển khai, thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từng bước xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh của người dân khi tham gia giao thông.
TTXVN - Từ đầu năm 2023 đến nay, tai nạn giao thông ở Yên Bái đã giảm cả 3 tiêu chí. Tỉnh từng bước thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông, tiếp tục xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông.
Đó là kết quả của những giải pháp đồng bộ, quyết liệt mà cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai, thực hiện. Trọng tâm là cương quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm Luật Giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và tải trọng, cơi nới thành thùng xe; tập trung xử lý các hành vi vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, làn đường…
Thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Yên Bái cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ tại nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 37 người, hư hỏng 32 xe ô tô, 33 xe mô tô, 3 xe máy điện, thiệt hại tài sản trên 2,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 10 vụ, giảm 6 người chết, giảm 17 người bị thương.
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, 6 tháng qua, đơn vị đã tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kiểm soát, xử lý người có nồng độ cồn, nhằm hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Cụ thể, cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện gần 5.000 ca tuần tra, phát hiện hơn 17.400 trường hợp vi phạm, tạm giữ 5.122 phương tiện; xử lý gần 14.700 trường hợp, phạt tiền trên 23,5 tỷ đồng, tước 2.758 giấy phép lái xe. Trong đó, vi phạm bị trực tiếp phát hiện khi cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát là hơn 16.400 trường hợp và phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông gần 1.000 trường hợp.
Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp Cảng vụ đường thủy nội địa và Thanh tra đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra 14 bến thủy trên vùng hồ Thác Bà, sông Chảy và sông Hồng, lập biên bản xử lý 55 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng; xử lý nồng độ cồn 30 thuyền viên, tạm đình chỉ hoạt động 12 phương tiện.
Đặc biệt, từ ngày 1/6, Phòng Cảnh sát giao thông đã thành lập 2 Tổ công tác chuyên đề, tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên đề số 1 cho biết, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, Tổ công tác chuyên đề còn có sự tham gia của cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, được trang bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật.
Không chỉ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Tổ công tác chuyên đề còn ngăn chặn, kiểm soát các đối tượng vận chuyển vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, ma túy... Sau gần một tháng triển khai, 2 Tổ công tác chuyên đề đã phát hiện 142 trường hợp vi phạm, trong đó có 63 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1 trường hợp vi phạm về ma túy, 18 trường hợp vi phạm về tốc độ, còn lại là các lỗi vi phạm khác.
Thượng tá Phạm Vân Thảo, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái cho biết, lực lượng đã phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, trường học tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông cho gần 50.000 lượt giáo viên, học sinh và đoàn viên. Đặc biệt, lực lượng phối hợp xây dựng và ra mắt 26 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông"; tuyên truyền, ký cam kết 27 doanh nghiệp vận tải, 370 chủ phương tiện, lái xe ký cam kết chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế, không cơi nới thùng xe.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí trong năm 2023, thời gian tới, Cảnh sát giao thông tiếp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, không để xảy ra tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 2 kế hoạch chuyên đề trong tuần tra kiểm soát giao thông.
Cảnh sát giao thông sẽ đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là với thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên..., nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành, người dân. Từ đó, từng bước hình thành thói quen, xây dựng văn hóa, nâng cao ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông./.