50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng”
Trưng bày đưa công chúng Thủ đô và du khách đến với khoảng lặng sau các trận bom rải thảm, sau các trận đánh khốc liệt và những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sĩ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972.
(TTXVN) Tham quan trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” tổ chức ngày 9/12 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công chúng Thủ đô và du khách có dịp sống lại ký ức những ngày chiến đấu khốc liệt bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa, thêm hiểu về những suy tư của người lính Mỹ khi trở lại thăm nơi mình đã từng tham chiến.
Trưng bày do Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), 50 năm trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973 - 2023).
Trưng bày đưa công chúng Thủ đô và du khách đến với khoảng lặng sau các trận bom rải thảm, sau các trận đánh khốc liệt và những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sĩ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Người xem cũng cảm nhận được khoảng lặng sau bức tường đá “Hilton - Hà Nội”, nơi phi công Mỹ suy nghĩ về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam; khoảng lặng sau 50 năm, những cựu binh Mỹ quay trở lại thăm chiến trường xưa, thăm “Hilton - Hà Nội”.
Trưng bày được thể hiện qua hai nội dung: "Những ngày đỏ lửa" và "Sau bức tường đá". Trong đó, "Những ngày đỏ lửa" kể về sự tàn khốc của cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không” khi Hà Nội, Hải Phòng phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52. Với niềm tin chiến thắng, quân dân ta đã quả cảm chiến đấu, góp phần quyết định làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của thế kỷ XX. Nội dung "Sau bức tường đá", phi công Mỹ có thời gian lắng lại để hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam.
Từng lá thư gửi về gia đình, từng nét bút trong các bức tranh đều thể hiện chân thực cuộc sống của phi công Mỹ trong Trại giam Hoả Lò.Cựu chiến binh Robert Chenoweth chia sẻ: “Trước ngày trao trả, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị một số quà lưu niệm như điếu cày, tranh phong cảnh Hà Nội, quạt nan, nón, dép cao su… để tặng chúng tôi. Riêng tôi, mong muốn được nhận Lá cờ của Việt Nam, vì với tôi Lá cờ là biểu tượng đặc biệt của dân tộc các bạn. Lá cờ giúp tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ, bảo vệ độc lập của những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất. Chính các bạn đã cho tôi thấy cái nhìn khác về cuộc chiến ở Việt Nam, để tôi biết đâu là lẽ phải”.
Trong không gian lắng đọng, những tổ hợp trưng bày đã phần nào tái hiện một giai đoạn lịch sử những năm 1964 - 1973 tại miền Bắc Việt Nam với hệ thống đường giao thông hào để người dân thuận tiện di chuyển, ẩn nấp khi có báo động phòng không; chiếc kẻng làm từ vỏ bom, báo động cho người dân khẩn trương vào hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch tấn công; hố tránh bom cá nhân còn gọi là hầm cá nhân, “hầm tăng xê” trên đường phố, với những chiếc nắp làm bê tông cốt thép hoặc bện bằng rơm, tấm rơm đậy nắp hầm thường được gọi là “con dúi”…
Tại lễ khai mạc, công chúng Thủ đô và du khách cũng được thưởng thức hoạt cảnh tái hiện công tác chuẩn bị khẩn trương của nhân dân miền Bắc khi đi sơ tán, cùng sự thích ứng khi vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong hoàn cảnh chiến tranh; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, khách mời là các cựu tù chính trị từng bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc; các cựu cán bộ làm công tác quản giáo, chăm sóc phi công Mỹ tại Trại giam Hỏa Lò; ông Chuck Searcy - Phó Chủ tịch Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP)…/.