Giáo dục

70 năm ngành Giáo dục Thủ đô: Khẳng định vị thế dẫn đầu

Hà Nội

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước.


Tháng 10/1954, khi Thủ đô được giải phóng cũng là lúc đánh dấu sự ra đời của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Sự kiện đã mở ra trang sử mới, đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là một trung tâm giáo dục lớn của cả nước.


Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hàng vạn người dân vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô.

Trước đó chỉ một ngày ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GDĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng.

Năm đó, Hà Nội chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. 80% trẻ em còn lại - chủ yếu là con em của nhân dân lao động - bị thất học; khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.

Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng biện pháp để người chưa biết chữ đến các lớp học, đồng thời bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và người tình nguyện tham gia dạy học.

Chỉ ít ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi.". Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phu nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (27/3/1956). 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Mười năm đầu tiên sau giải phóng (1954 - 1965) là giai đoạn hết sức có ý nghĩa. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế, thực hiện những mục tiêu nhằm đẩy nhanh sự phát triển của giáo dục và đào tạo, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.


Đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29% (nội thành đạt 98,1%; ngoại thành đạt 94,6%). Việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân và nhân dân cũng được đẩy mạnh với hơn 85.000 người tham gia các lớp bổ túc văn hoá.

Cùng với kết quả căn bản xử lý xong nạn mù chữ, thành phố cũng tận dụng hệ thống giáo dục cũ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát triển hệ thống các trường công lập, từng bước đưa giáo dục công lập chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường học toàn thành phố.

Trải qua những năm tháng kháng chống Mỹ, cứu nước, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm lo cho các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo Hà Nội đã tạm biệt phấn trắng, bảng đen, hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường và không ít người đã hy sinh...

Sau ngày thống nhất đất nước, Hà Nội bắt tay ngay vào công cuộc cải cách giáo dục, quan tâm, tăng cường đầu tư, phát triển về quy mô, tập trung vào chiều sâu, mang tính cách mạng trong mục tiêu giáo dục. Với những mục tiêu và bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, 10 năm sau ngày thống nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã phát triển thành một trung tâm giáo dục lớn, đi đầu cả nước, tạo bước chuyển căn bản, tiền đề cho sự bứt phá khi đất nước đổi mới.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, Giáo dục Thủ đô có sự hội tụ đa dạng. Dù còn nhiều khó khăn, song chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao. Hà Nội luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1990, phổ cập trung học cơ sở từ năm 1999.


Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước.

Thành phố hiện có 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên, 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80%. Thành phố đã công nhận 23 trường chất lượng cao, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn.


Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cao hơn 43 học sinh so với năm 2023); 3 học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; 35 học sinh đoạt giải quốc gia trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp.

 Nhiều học sinh Thủ đô đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt, có 2 học sinh giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục có chuyển biến mạnh, tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11). Hà Nội cũng là địa phương có số bài thi điểm 10 nhiều nhất cả nước với 915 bài... Bên cạnh đó, học sinh Thủ đô còn giành 339 huy chương, xếp thứ hai toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024.

70 năm ngành Giáo dục Thủ đô

Để giữ vững vị thế “đầu tàu” về chất lượng giáo dục của Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, phát triển đội ngũ nhà giáo...


Để thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành, thành phố đã chỉ đạo triển khai mô hình “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Cô, trò vui tươi dưới mái Trường Trung học cơ sở Xuân Canh (huyện Đông Anh), công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Toàn ngành cũng tích cực thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", trong đó chú trọng nội dung từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phấn đấu là địa phương tiên phong về nội dung này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với tinh thần coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Nội dung: Phương Quỳnh (tổng hợp)

Thiết kế: Vũ Bắc

Ảnh, Video: TTXVN, Vnews

Xem thêm