Xã hội

75 năm Thi đua ái quốc: Bám cơ sở, lắng nghe dân

Nam Định

Là cán bộ thế hệ 7X, trưởng thành từ cơ sở, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cương vị công tác nào, ông Phạm Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Phong luôn bám sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến đóng góp của dân.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

TTXVN - Ông Phạm Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là lãnh đạo ở cơ sở dám nghĩ dám làm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Xã Giao Phong đã huy động được sức mạnh của toàn dân, đạt được kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành xã dẫn đầu của Nam Định trong xây dựng nông thôn mới.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Là cán bộ thế hệ 7X, trưởng thành từ cơ sở, thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cương vị công tác nào, ông Sơn luôn bám sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe ý kiến đóng góp của dân. Ông cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các chủ trương, chính sách sát, hợp với thực tế, từ đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đưa Giao Phong vươn lên trở thành lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới cấp xã ở Nam Định và trong cả nước.

Chủ tịch UBND xã Giao Phong Phạm Văn Sơn, báo cáo về kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông minh. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Ông Phạm Văn Sơn từng có giai đoạn dài làm cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ nông nghiệp, địa chính xã Giao Phong. Vì vậy, khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBND xã (năm 2014) và Chủ tịch UBND xã (năm 2019), ông cùng với cấp ủy, chính quyền đưa ra mục tiêu, cách làm, lộ trình, bước đi cụ thể nhằm phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm...không chỉ để đạt các tiêu chí nông thôn mới theo quy định mà mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, Giao Phong là một xã ven biển, có thế mạnh phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản với 285ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai phân tán, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng còn nhỏ hẹp gây khó khăn, cản trở quá trình giao thương và việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng cánh đồng lớn...Trước thực tế đó, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo triển khai ngay việc dồn điền đổi thửa trong hai năm (2012 - 2013) song song với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đây có thể nói là một quyết sách rất phù hợp tại thời điểm đó vì không chỉ giúp địa phương giảm từ hơn 3 thửa đất/hộ, xuống còn dưới 2 thửa/hộ sau dồn điền đổi thửa mà quan trọng hơn là xã tích lũy được 53.600m2 đất nông nghiệp do nhân dân tự nguyện hiến đất. Quỹ đất này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, nhất là tạo quỹ đất để cấp đất tái định cư, tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Xã đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng đồng bộ, đảm bảo máy móc, phương tiện chở hàng hóa vào tới tận bờ ruộng. Tiếp đến, xã xây dựng, nâng cấp cải tạo, mở rộng các tuyến đường giao thông, mở đường cho phát triển kinh tế; xây mới, nâng cấp các công trình phúc lợi phục vụ đời sống nhân dân như trường học, trạm y tế đạt chuẩn, nhà văn hóa thôn, xóm...Kinh phí được huy động trên tinh thần "nhà nước và nhân dân cùng làm", đặc biệt là khơi dậy tinh thần tự nguyện đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...

Cùng với đó, xã phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ thể của nhân dân, công khai, minh bạch mọi thông tin liên quan đền dự án, công trình để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân bàn, dân làm trong mọi phần việc. Xã áp dụng chính sách, những tuyến đường nào đi qua khu dân cư mà người dân không nhường đất cho dự án, tối đa mở rộng được 5m, xã chỉ thảm bê tông mặt đường, còn vỉa hè, hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư phải tự làm. Nếu tuyến đường nào người dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường lên 7m, xã sẽ hoàn thiện toàn bộ các hạng mục.

Nhằm tạo sự đồng thuận trong dân, xã đã mời tất cả hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo xã nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất phương án triển khai, tạo sự đồng thuận để người dân tự nguyện ký cam kết ủng hộ, góp sức, góp công, góp của hoàn thành các công trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đối với một số hộ bị ảnh hưởng lớn bởi dự án, công trình, Đảng bộ xã đã giao nhiệm vụ cho các Chi bộ Đảng ở cơ sở và tranh thủ sự vào cuộc của những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động, giải thích, làm cho người dân hiểu rõ vấn đề.

Ông Phạm Văn Sơn cùng với lãnh đạo chủ chốt của xã đã trực tiếp xuống gặp gỡ các hộ, thông tin rõ về những lợi ích mà dự án sau khi hoàn thành đem lại để thuyết phục họ đồng lòng, ủng hộ...Từ cách làm này, toàn bộ 12km đường liên xã, 39 km đường xóm, liên xóm và 3,9 km đường trục chính nội đồng của xã đã được bê tông hóa, cứng hóa. Mặt đường rộng từ 5 - 7m, có hệ thống đèn đường thắp sáng về đêm.

Xây dựng miền quê đáng sống

Nhờ những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, 5 năm trở lại đây, xã Giao Phong đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, con em quê hương đang làm ăn xa để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Vốn huy động đóng góp, ủng hộ của cộng đồng dân cư là 56 tỷ đồng, chiếm hơn 28%. Vốn huy động từ nguồn con em xa quê, ủng hộ 5 tỷ đồng, chiếm trên 2,5%; các doanh nghiệp ủng hộ 600 triệu đồng.

Quang cảnh nông thôn mới ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 3.000 ngày công. Diện tích nhân dân hiến đất, góp đất để làm các công trình của xã, của xóm lên tới 10.000 m2, trị giá ước tính gần 50 tỷ đồng.

Từ nguồn đóng góp của nhân dân, kết hợp với ngân sách tỉnh (trên 3,5 tỷ đồng), ngân sách huyện (hơn 14,1 tỷ đồng), ngân sách xã trên 102 tỷ đồng và vốn lồng ghép từ các dự án khác gần 15 tỷ đồng, Giao Phong đã có tổng kinh phí trên 196,6 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới năm 2015, nông thôn mới nâng cao năm 2021 và trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025) đầu tiên của tỉnh Nam Định vào tháng 11/2022.

Hiện xã đã phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt quy mô trên 32ha, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Các vùng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Xã có 6 sản phẩm được xếp loại OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,61%. Tỷ lệ người dân tham gia mua bảo hiểm y tế (tính đến hết năm 2022) đạt 98,%. Các hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Rác thải vô cơ được các tổ thu gom rác thải của xã đưa về khu xử lý rác tập trung. Cả ba cấp học là Mầm mon, Tiểu học và Trung học Cơ sở của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Xã đã công khai 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ (tính đến hết năm 2022) là 2.904/4.039 hồ sơ, đạt gần 72%...

Vào tháng 3/2023, xã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là một trong 9 mô hình thí điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới thông minh, giai đoạn 2023 - 2025.

Nhà văn hóa xóm nông thôn mới kiểu mẫu thông minh Lâm Phú (xã Giao Phòng) thu hút người dân đến sinh hoạt (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Xã đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% trở lên. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98% trở lên. 100% thôn, xóm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Năm 2030, theo kế hoạch, sau khi hoàn thành dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển có diện tích hơn 250ha, xã Giao Phong sẽ trở thành địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Dù có đóng góp lớn trong thành tích chung, góp phần đưa Giao Phong trở thành xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nhưng ông Phạm Văn Sơn khiêm tốn cho hay, thành quả xã đạt được là của tập thể cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân. Ông và lãnh đạo xã luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm những cách làm, giải pháp hiệu quả nhất để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Những gì mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho dân ông và lãnh đạo xã sẽ quyết tâm làm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Cao Thành Nam đánh giá, ông Phạm Văn Sơn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu trong mọi công việc, nhiệm vụ được giao. Ông Sơn luôn quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp xã đạt được kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Với thành tích xuất sắc trên, từ năm 2014 - 2022, ông Phạm Văn Sơn đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và UBND huyện Giao Thủy./.

PV

Xem thêm