Gs, Ts Lê Minh Thắng đã công bố 37 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín nằm trong danh mục của Web of Science. Đặc biệt, chị đã được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế và 1 giải pháp hữu ích.
TTXVN - “Khi có đủ yêu thích và đam mê thì sẽ không có giới hạn nào cho phụ nữ làm nghiên cứu khoa học” – Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng, giảng viên bộ môn Công nghệ Hữu cơ – Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội về con đường mà chị đã đi, với hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực hóa dầu.
* Đam mê nghiên cứu các dòng xúc tác
Từng là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận Giáo sư năm 2019, Giáo sư – Tiến sĩ Lê Minh Thắng đã chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài hợp tác quốc tế, 7 đề tài cấp bộ, là thư ký khoa học của 1 đề tài cấp nhà nước, điều phối viên của 1 chương trình hợp tác quốc tế.
Hướng nghiên cứu chính của Giáo sư Lê Minh Thắng là "Xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ, bảo vệ môi trường". Lĩnh vực nghiên cứu này gồm bốn mảng chính là: Xúc tác ba thành phần để xử lý khí thải các động cơ xăng, xúc tác xử lý khí độc C0 ở điều kiện nhiệt độ thường, xúc tác xử lý NOx từ khí thải các nhà máy nhiệt điện và xúc tác xử lý các hợp chất thơm dễ bay hơi từ các nhà máy nhiệt phân cao su, sản xuất chất dẻo.
Hiện nay, các dòng xúc tác nghiên cứu đều đang được hoàn thiện để chuẩn bị cho quá trình thương mại hóa rộng rãi, phục vụ cộng đồng, bảo vệ môi trường. Với những đóng góp cho quá trình bảo vệ môi trường khí tại các nước đang phát triển, nghiên cứu của Giáo sư Lê Minh Thắng về xúc tác xử lý khí thải môi trường đã được giải thưởng quốc tế “Nghiên cứu sáng tạo nổi bật” do Quỹ Hitachi Global Foundation trao tặng năm 2021, dành cho những công trình nghiên cứu có đóng góp cho xã hội và cho sự phát triển bền vững trong khu vực châu Á.
Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng còn là một giảng viên rất tận tâm với sinh viên, học viên. Các nghiên cứu sinh của Giáo sư đều được hướng dẫn trong môi trường học thuật quốc tế, các luận án được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và có công bố quốc tế trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có hai luận án hướng dẫn với đại học Gent – Vương quốc Bỉ đã được cấp bằng tiến sỹ song bằng.
Tính đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng đã công bố 127 bài báo khoa học, trong đó có 37 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín nằm trong danh mục của Web of Science. Đặc biệt, chị đã được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế và 1 giải pháp hữu ích.
Mới đây, tháng 3/2023, Giáo sư Lê Minh Thắng tiếp tục được trao Giải thưởng Kovalevskaia 2022, đây là giải thưởng tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Chị chia sẻ, một trong những lý do thúc đẩy chị hoàn thành hồ sơ đăng ký Giải thưởng Kovalevskaia là mong muốn những công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ Đại học Bách khoa Hà Nội được ghi nhận, qua đó khích lệ đội ngũ nhà khoa học nữ tham gia nhiều sân chơi để đưa nghiên cứu của mình gần hơn với xã hội và phục vụ cộng đồng.
Hiện nay, Giáo sư Lê Minh Thắng còn là Chi hội trưởng chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam. Thông qua nhiều hoạt động, chị đã khơi dậy phong trào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm trong các nữ hội viên, đóng góp tích cực vào việc khơi dậy đam mê khoa học cho học sinh, sinh viên, nổi bật nhất là hoạt động giáo dục STEM cho học sinh phổ thông, chuỗi bài giảng đại chúng về khoa học, công nghệ và cuộc sống…
* Tạo cơ hội phát triển cho các nhà khoa học nữ
Chia sẻ bí quyết để đạt được thành công như hiện tại, Giáo sư Lê Minh Thắng cho rằng, có rất nhiều yếu tố, từ việc tạo điều kiện của gia đình, nhà trường, nơi công tác; sự may mắn, kịp thời nắm bắt thời cơ; nhưng điều quan trọng, chủ yếu đến từ nội lực bên trong.
Theo Giáo sư Lê Minh Thắng, kiến thức nền tảng của chị đã được tích lũy trong quá trình học tập nghiêm túc và nỗ lực, luôn dựa vào chính bản thân mình và đặt việc hiểu biết kiến thức lên hàng đầu chứ không phải điểm số. Bên cạnh đó, là sự rèn luyện phương pháp tư duy và cách tiếp cận vấn đề trong quá trình làm nghiên cứu một cách tỉ mỉ, cẩn thận, không bỏ qua những chi tiết cần chú ý. Phương pháp học tập và làm việc cũng đóng vai trò quan trọng để có được những cách tiếp cận sáng tạo, tiêu tốn thời gian hợp lý.
Bảy tỏ trăn trở với khó khăn của các nhà khoa học nữ, Giáo sư Lê Minh Thắng cho biết: Trong các ngành kỹ thuật, số lượng nữ giới thường ít hơn nam giới khá nhiều và trong quá trình tuyển dụng, một số nhà tuyển dụng mong muốn tuyển dụng nam giới nhiều hơn để phù hợp với các công việc kỹ thuật khá vất vả và nặng nhọc. Tuy nhiên, nữ giới hoàn toàn có thể có năng lực chuyên môn tương đương hoặc thậm chí tốt hơn nam giới.
Vì vậy, theo Giáo sư Lê Minh Thắng, trước khi tham gia tuyển dụng, các bạn nữ sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng vị trí công việc mà mình mong muốn ứng tuyển, đánh giá một cách khách quan năng lực, sức khỏe, sở thích và sự phù hợp của mình với vị trí công việc đó. Nếu sau khi có đánh giá khách quan, các bạn vẫn thấy mình yêu thích và phù hợp với công việc đó thì cần chuẩn bị các ý kiến để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng tuy là nữ giới bạn vẫn phù hợp, yêu thích công việc đó ở những khía cạnh nào.
Phân tích của bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn hiểu biết rõ ràng về vị trí công việc và nhận thức khách quan về năng lực của mình, đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng cho công việc đó. Nữ giới luôn cần làm cho thế giới hiểu rằng khi đã yêu thích và cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan một công việc căn cứ vào đặc điểm và năng lực của mình thì hoàn toàn có thể làm được tất cả những việc mà nam giới có thể làm được.
Chị cũng mong muốn, các nhà khoa học nữ được tạo điều kiện tối đa, có sự động viên, chia sẻ về chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy nữ giới tham gia vào lĩnh vực khoa học, như tỷ lệ nữ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học là yếu tố cộng điểm khi đánh giá, có thêm các giải thưởng cho nhà khoa học nữ ở các độ tuổi khác nhau…
Giáo sư Lê Minh Thắng tâm sự: "Những điều đạt được hôm nay so với mong muốn của cá nhân tôi vẫn còn rất nhỏ. Tôi biết có thể mình sẽ không đạt được, nhưng vẫn muốn vươn tới. Về khoa học, tôi rất muốn có cơ hội đi đến tận cùng, giải thích sâu sắc cặn kẽ một số vấn đề; các nghiên cứu của tôi có hiệu quả hơn, giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hơn, có công trình đăng trên các tạp chí uy tín hơn, được cộng đồng rộng lớn hơn trên thế giới công nhận. Tôi cũng hi vọng những sinh viên của mình ra trường đạt được thành công và nối tiếp con đường nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp trong thực tiễn và sự phát triển của đất nước"./.
Việt Hà
- Từ khóa:
- thi đua ái quốc
- Giáo sư Lê Minh Thắng