Cùng với các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ngay từ khi học mẫu giáo đến khi xong đại học.
(TTXVN) - Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Toàn tỉnh có gần 5.000 học sinh dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú và các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn.
Thực hiện các chủ trương, chính sánh về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2023, tầm nhìn 2045, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng nhiều chương trình để chăm lo cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng như các xã miền núi ở các địa phương khác. Tỉnh được coi là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực để phát triển miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ngay từ khi học mẫu giáo đến khi xong đại học. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 459 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số theo học tại 38 trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trên cả nước.
Nhờ các chính sách giáo dục đúng đắn, kịp thời, sự nghiệp giáo dục tại các địa bàn miền núi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc và gặt hái được một số thành quả đáng kích lệ cả về số lượng, quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Anh Hà Diên, một trong những sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trở về công tác tại quê hương chia sẻ, khi còn là sinh viên, được hỗ trợ kinh phí giúp anh vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống. Tháng 8/2022, anh tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn theo chương trình đào tạo cử tuyển. Đến tháng 10/2022, anh được nhận về công tác tại UBND xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh.
Đến nay, mạng lưới trường học từ Mầm non đến Trung học Phổ thông đã phủ kín các vùng, miền trên địa bàn tỉnh và ngày càng được kiên cố hóa, nhất là ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số ra lớp ngày càng tăng; tỷ lệ lưu ban, bỏ học ngày càng giảm; chất lượng học tập ngày càng tiến bộ theo từng năm học... Đặc biệt, 100% các xã của hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ ở mức độ 2, phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học ở mức độ 3 và phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 1.
Thầy Nguyễn Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh cho biết, năm học 2022-2023, toàn trường có 229 học sinh, chất lượng học tập của học sinh khá tốt, có 26% học sinh giỏi, có nhiều học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp tỉnh. Nhà trường đáp ứng mọi yêu cầu về cơ sở vật chất, phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh; đồng thời tổ chức đẩy đủ các sân chơi văn hóa, văn nghệ để học sinh nhà trường tham gia.
Em Mang Hoàng Tuấn Anh, người Raglai học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh cho biết, được học tập tại trường trong 4 năm em rất tự tin về kiến thức của mình. Hiện tại, em học rất tốt môn Tin học và sẽ tiếp tục học lên lớp 10 để phát triển năng khiếu của mình.
Cùng với việc tạo động lực cho người học, Khánh Hòa không ngừng đầu tư mọi mặt, nhất là tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện sinh hoạt và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, bộ mặt trường lớp, các hoạt động giáo dục của các nhà trường có nhiều cải thiện, chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và dần hòa nhập, rút ngắn khoảng cách với giáo dục miền xuôi.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các ban ngành, đoàn thể liên quan cùng chủ động phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo trong việc chăm lo việc học hành của con em đồng bào miền núi nói chung và con em đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, để không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ tại chỗ./.