Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người An Giang, góp phần xây dựng An Giang, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngày 18/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 33 ngày 21/5/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi vì văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là mục tiêu, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết số 33, ông Lê Văn Nưng yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa; hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc giữ gìn và sáng tạo nghệ thuật; huy động mọi nguồn lực phát triển văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh An Giang yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm độc hại, trái với thuần phong mỹ tục; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người An Giang, góp phần xây dựng An Giang, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Trong đó, môi trường văn hóa trên địa bàn, nhất là ở địa bàn dân cư, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới được cải thiện. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh công nhận gần 510.000 gia đình văn hóa; 879 khóm, ấp văn hóa; 87 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa cộng đồng các dân tộc và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn được rút ngắn. Tỉnh chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy, phục dựng các loại hình nghệ thuật dân tộc có nguy cơ mai một.
"An Giang cũng quan tâm giữ gìn, phát triển chữ viết của các dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh có 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc nhằm tạo điều kiện cho học sinh người dân tộc thiểu số phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức. Bên cạnh đó, tỉnh tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc của cộng đồng 4 dân tộc: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa để phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân", bà Trần Thị Thanh Hương cho biết.
Trên địa bàn An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc) và Khu di tích khảo cổ kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đề cử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và di sản văn hóa thế giới. An Giang có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và di tích Óc Eo - Ba Thê hằng năm đón nhiều lượt khách đến thăm viếng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân và quảng bá hình ảnh địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người trên địa bàn An Giang vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể như: nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi phát triển không đồng đều giữa các khu vực thành thị, nông thôn; nguồn nhân lực ngành văn hóa còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan còn diễn biến phức tạp…/.