Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở trường học.
TTXVN - Gần một tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu số người bị đau mắt đỏ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt đây là thời gian học sinh tựu trường nên bệnh càng lây lan nhanh.
Trước đây, trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có vài trường hợp đến khám đau mắt đỏ, thậm chí có những ngày không có bệnh nhân. Thế nhưng khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tăng đột biến, trên 40 ca/ngày. Có nhiều trường hợp từ 1 người bị bệnh đã lây lan cho nhiều thành viên khác trong gia đình. Điều đáng lo ngại, trong tổng số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, có khoảng 30% ca bệnh bị biến chứng, gây viêm loét giác mạc, làm giảm thị lực do những người này tự điều trị ở nhà hoặc không được điều trị kịp thời. Tại một số phòng khám mắt tư nhân lớn trên địa bàn thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, có ngày tiếp nhận từ 60-70 ca đau mắt đỏ tới khám và điều trị.
Tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, học sinh bị đau mắt đỏ cũng gia tăng nhanh chóng. Nhiều trường đã yêu cầu học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học ở nhà và sẽ cho học bù sau đó. Có nhiều lớp vắng hơn một nửa học sinh do bị đau mắt đỏ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản về việc tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở trường học; đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị, thành phố, các trường phối hợp với Sở Y tế tỉnh tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở trường học theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các trường phải bố trí đủ xà phòng và nước rửa tay; sử dụng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường sát khuẩn các đồ dùng, vật dụng của học sinh bị bệnh; trang bị đầy đủ thuốc để xử lý ngay khi có học sinh bị đau mắt đỏ. Khi phát hiện có học sinh bị đau mắt đỏ, cho học sinh nghỉ để điều trị nhằm tránh lây lan…
Theo bác sỹ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, điều trị bệnh đau mắt đỏ khá đơn giản, bằng cách uống thuốc giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh, nhỏ tại chỗ. Song, điều trị không đúng chỉ định và không kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh, người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và tuân thủ điều trị theo chỉ định. Không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc của người khác khi không có chỉ định của bác sỹ. Không nên xông hoặc đắp mắt bằng các loại lá trầu, thuốc dân gian hoặc thán mực tàu để tránh làm bệnh nặng thêm.
Các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ là không tiếp xúc gần với người bệnh; không dùng đồ chung với người bệnh; tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ làm lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Khi giáo viên hoặc học sinh bị bệnh, cần phải cách ly tại nhà từ 3-5 ngày, tránh lây lan cho người khác. Người bệnh cần rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, không dụi tay bẩn lên mắt. Ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh, phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác./.