Sức khỏe

Bác sỹ nhãn khoa khuyến cáo cách phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ

Mặc dù khá lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng đau mắt đỏ rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi...

 Bệnh nhân khám và điều trị mắt tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. (Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN)

TTXVN - Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến cơ sở y tế khám do đau mắt đỏ gia tăng đột biến. Thạc sỹ, bác sỹ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bệnh phát triển mạnh vào mùa hè do khí hậu nóng ẩm; khói bụi và ô nhiễm là yếu tố thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh. Mặc dù khá lành tính, khi khỏi ít để lại di chứng nhưng đau mắt đỏ rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn, nhất là ở trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi... gây ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt của người dân.

Có nhiều tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Phải kể đến nhiều loại vi khuẩn gây viêm kết mạc cấp như phế cầu, tụ cầu, liên cầu, lậu cầu... Ở trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc do lậu cầu qua đường sinh dục của người mẹ bị bệnh. Thứ 2 là các loại virus, như virus Adenovirus thường lây lan mạnh, gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường. Ngoài ra còn có virus Enterovirus, Herpes...

Ngoài ra, do người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng dẫn đến mắt bị đỏ nhanh, 2 mắt ngứa nhiều, người bệnh dụi tay lên mắt. Đây chính là nguyên nhân gây bội nhiễm, cũng có thể bị ngứa, sổ mũi. Bệnh hay tái phát nhiều đợt, tiết tố dai dính trắng, đôi khi có tiết tố vàng, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ. Khi mắc đau mắt đỏ, người bệnh cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Trường hợp sử dụng kính áp tròng lâu dài cũng có thể dẫn đến bệnh viêm kết mạc nhú gai khổng lồ. Các dấu hiệu của bệnh là ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều rử ghèn ở mắt, để lâu sẽ có thêm nhiều triệu chứng khó chịu khác.

Bác sỹ Phùng Thị Thúy Hằng đặc biệt lưu ý, người bệnh khi bị viêm kết mạc nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp; không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh nên tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt vì có thể dẫn đến tổn thương cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu. Một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra viêm loét giác mạc. Khi đó, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém; di chứng để lại là sẹo giác mạc, gây nhìn mờ vĩnh viễn. Thậm chí, một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt. Viêm kết mạc cấp hiếm khi phải dùng kháng sinh đường tiêm, thông thường các bác sỹ chỉ kê kháng sinh nhỏ mắt 5 - 7 lần mỗi ngày.

Bác sỹ Phùng Thị Thúy Hằng cũng nêu nguyên nhân khiến bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh. Đó là do người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm, nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học…, người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây hoặc lây ở bể bơi. Khi các phòng khám mắt không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tay và dụng cụ y tế cũng làm lây bệnh từ người này sang người khác. Một số là do do virus lây qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí cũng sẽ lây bệnh cho người khác.

Các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ. (Đồ họa: TTXVN)

Để tránh bệnh lây lan, người bị đau mắt đỏ cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đế nơi đông người. Người bệnh nên sử dụng đồ vật riêng; không dụi tay lên mắt; rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung, người bệnh phải rửa tay bằng xà phòng trước. Với người đeo kính áp tròng, sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

Các gia đình lưu ý, không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người; không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng, nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra, nước muối tự pha thường lẫn tạp chất có hại cho mắt. Người mắc bệnh không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám mắt cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình./.

PV

Xem thêm