Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Y học dự phòng
Trong 5 năm, hai bên sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và thông tin khoa học trong lĩnh vực Y học dự phòng, bao gồm: xét nghiệm, tầm soát bệnh tật, quản lý, phân tích dữ liệu, nghiên cứu khoa học.
TTXVN - Chiều 31/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và thông tin khoa học trong lĩnh vực Y học dự phòng, qua đó tạo điều kiện cho Trung tâm nâng cao năng lực kiểm soát bệnh tật.
Theo đó, trong 5 năm, hai bên sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và thông tin khoa học trong lĩnh vực Y học dự phòng, bao gồm: xét nghiệm, tầm soát bệnh tật, quản lý, phân tích dữ liệu, nghiên cứu khoa học. Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford sẽ hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh trong đào tạo các kỹ thuật chẩn đoán bệnh truyền nhiễm như: phân lập và phát hiện tác nhân gây bệnh bằng phương pháp sinh học phân tử và giải mã gen; phân tích dữ liệu dịch bệnh, quản lý phòng xét nghiệm và nghiên cứu khoa học (bao gồm áp dụng mô hình toán học cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm, thống kê, thực hành lâm sàng trong nghiên cứu khoa học, thực hành tốt trong phòng thí nghiệm, an toàn sinh học, kỹ năng viết bài báo khoa học…). Hai bên sẽ đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu liên quan đến bệnh nhiễm trùng mới nổi, đánh giá các biện pháp can thiệp cộng đồng.
Ông Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford cho biết, trong hơn 30 năm có mặt tại Việt Nam, Đơn vị đã thực hiện nhiều nghiên cứu các vấn đề về bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân Việt Nam nói riêng cũng như các nước Đông Nam Á nói chung. Đơn vị hỗ trợ và ký kết hợp tác với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh để giúp Trung tâm ứng phó tốt hơn với các loại dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là những bệnh mới nổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, nhờ sự hỗ trợ của Đơn vị trong 30 năm qua, ngành Y tế Thành phố đã xây dựng được nhiều phác đồ điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, lao, thương hàn… Dù vậy, các hoạt động hợp tác chủ yếu tập trung vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và các thử nghiệm lâm sàng, chưa có nhiều nghiên cứu về y tế cộng đồng và dịch tễ học. Với sự hợp tác lần này, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu y tế cộng đồng, đánh giá động của chính sách đối với việc kiểm soát dịch bệnh. Từ đó, mở ra các hướng mới trong hợp tác nghiên cứu ở lĩnh vực y học dự phòng.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố củng cố nội lực, nâng cao năng lực để có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án "Củng cố tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố" do UBND Thành phố ban hành vào đầu năm 2023./.
- Từ khóa:
- y học dự phòng
- hợp tác quốc tế
- y tế