Trước nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ có thể lây lan rộng trong trường học, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương chỉ đạo trường học triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế số ca mắc, lây nhiễm chéo trong trường học.
TTXVN - Thời điểm này, học sinh các cấp đã chính thức trở lại trường học sau ba tháng hè. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ, tay chân miệng... vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới, cần có biện pháp chủ động phòng, chống để các bệnh này không lây lan rộng trong các trường học.
* Chủ động phát hiện
Học sinh mới đi học trở lại khoảng 2 tuần, Trường Trung học cơ sở Trương Công Định (quận Bình Thạnh) đã ghi nhận 25 trường hợp bị đau mắt đỏ. Trong thời gian điều trị bệnh, những học sinh này không đến trường nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, đây là bệnh rất dễ lây lan, vì thế Trường chủ động triển khai các biện phòng phòng, chống theo khuyến cáo của ngành Y tế. Thầy cô giáo nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; không dùng chung vật dụng cá nhân. Nhà trường khuyến cáo học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày để kịp thời phát hiện các triệu chứng bệnh; khi có dấu hiệu nhiễm bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời đến cơ sở y tế khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Bên cạnh chú trọng tới biện pháp hạn chế lây lan bệnh đau mắt đỏ, Trường Trung học Cơ sở Trương Công Định chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học nói chung. Nhà trường tổ chức tổng vệ sinh các phòng học, phòng chức năng bằng dung dịch Chloramine B 2 lần/tuần; thường xuyên tổ chức phát quang, đảm bảo thông thoáng sân trường, các lớp học; thực hiện phun thuốc diệt muỗi 3 tháng/lần toàn trường; kiểm tra thường xuyên và súc các hồ nước, vật dụng chứa nước để tránh có lăng quăng…
Cùng với các biện pháp được triển khai tại trường, theo thầy Phạm Thái Hồ, việc đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe đến học sinh, cán bộ, giáo viên và cả phụ huynh là điều đặc biệt quan trọng để mọi người cùng chủ động phòng, chống dịch, mọi lúc, mọi nơi. Công tác truyền thông được thực hiện thường xuyên bằng các hình thức như phát loa trong giờ ra chơi, qua tranh ảnh, bảng tin và trong tiết sinh hoạt dưới cờ mỗi đầu tuần.
Tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Quận 1), từ đầu năm học tới nay ghi nhận 4 ca đau mắt đỏ. Các trường hợp này đều được phụ huynh phát hiện tại nhà và chủ động thông báo với nhà trường để theo dõi tình hình học sinh trong lớp, trường. Nhận định các bệnh truyền nhiễm có thể gia tăng khi học sinh trở lại trường học, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường đã chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh. Các em học sinh Tiểu học còn nhỏ, chưa ý thức được việc chủ động phòng bệnh cũng như theo dõi sức khỏe của mình. Vì thế, Nhà trường luôn chú trọng tới công tác tiếp nhận, theo dõi, giám sát học sinh hằng ngày để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe học sinh, phối hợp với phụ huynh xử trí. Trong mỗi giờ lên lớp, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng các loại bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, Trường thường xuyên thực hiện vệ sinh trường, lớp. Trong đó, hằng ngày, các cô bảo mẫu thực hiện vệ sinh lớp, lau bàn học, các phòng chức năng, các bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch Chloramine B với tỷ lệ thông thường để khử khuẩn; mỗi cuối tuần trường sẽ tổ chức tổng vệ sinh trường, các phòng học, phòng chức năng bằng dung dịch Chloramine B với tỷ lệ đậm đặc hơn.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, từ đầu năm học, trường chưa ghi nhận ca bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết hay tay chân miệng nào, tuy nhiên không phải vì thế mà chủ quan. Để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm khi học sinh học tập, sinh hoạt cùng nhau ở lớp, trường tuyên truyền đến cha mẹ học sinh về các biện pháp để phòng bệnh cho con, đăng tải các tài liệu liên quan trên website để phụ huynh có thể theo dõi, nắm bắt. Trong tuần tới, trường sẽ tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho học sinh toàn trường. Cùng với biện pháp tuyên truyền, nhà trường chú trọng tới công tác vệ sinh môi trường, lau chùi bàn ghế, đồ dùng trong mỗi phòng học, phòng chức năng, khu vực tổ chức bán trú được thực hiện thường xuyên, kỹ lưỡng.
* Đề phòng dịch bệnh lây lan trong trường học
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn có xu hướng giảm. Cụ thể, bệnh tay chân miệng ghi nhận 792 ca mắc mới, giảm 60,5% so với trung bình 4 tuần trước đó; bệnh sốt xuất huyết có 298 ca, giảm 20,8%.
Từ giữa tháng 8 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc), trong đó khoảng 1/3 là trẻ em. Số liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 2, từ ngày 28 - 31/8 có 188 trẻ em đến khám bệnh đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 ca đau mắt đỏ, trong đó có cả người lớn và trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh. Đây là bệnh dễ lây lan, chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng thông qua việc sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh như khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt... Đặc biệt, hiện nay hầu hết học sinh đã tựu trường, do đó bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan trong môi trường học đường khi các con học tập, sinh hoạt chung với nhau.
Trước nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ có thể lây lan rộng trong trường học, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương chỉ đạo trường học triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế số ca mắc, lây nhiễm chéo trong trường học. Ngành Y tế và Giáo dục tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức người dân, phụ huynh để hạn chế số ca mắc với quyết tâm không để trường học trở thành các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời điểm học sinh quay trở lại trường học trùng với thời điểm các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng. Do đó, nhà trường, phụ huynh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố yêu cầu, hằng tuần, các trường học phải thực hiện phun khử khuẩn những điểm có nguy cơ bùng phát muỗi, dọn dẹp những khu vực nước ứ đọng. Khu vực tổ chức bán trú cho trẻ phải tăng cường nhân viên để lau dọn, rửa sạch, phơi khô chén, đũa và thường xuyên lau dọn các bề mặt bàn, ghế bằng xà phòng, sát khuẩn. Các trường phải bố trí chỗ ngồi của trẻ hợp lý, đảm bảo khoảng cách phù hợp. Bên cạnh đó, bữa ăn cho trẻ bán trú cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo phụ huynh cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh mà ngành Y tế đưa ra. Đồng thời, phụ huynh chú trọng đến tăng cường đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung nước, vitamin đầy đủ; đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine phòng bệnh theo độ tuổi để tăng khả năng phòng ngừa các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trong cộng đồng./.