Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ
Sở Y tế Thành phố khẳng định, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh khác nhau và đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Những ngày qua, mặc dù nhiều người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc mua thuốc điều trị đau mắt đỏ, song Sở Y tế Thành phố khẳng định, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh khác nhau và đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Sau khi bị đau mắt đỏ do lây bệnh từ con gái, anh Nguyễn Văn Hào (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) dùng nước muối sinh lý để rửa. Qua hôm sau, do tình trạng nặng thêm, anh Hào đi tìm mua thuốc nhỏ mắt Tobrex theo lời “mách nước” của một người bạn. Tuy nhiên, phải đi đến cửa hàng thuốc thứ 3 anh mới mua được loại thuốc này. Nhu cầu tăng, nguồn cung ít là lý giải của các cửa hàng thuốc về tình trạng khan hiếm thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Tobrex.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, khi bị đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (Natri Clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, ngoài Tobrex, trên thị trường có nhiều loai thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh như Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin… đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ.
Qua khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh Levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, Ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm 900.000 lọ); Tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm 280.000 lọ)… Như vậy, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh, Corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không những không có tác dụng mà còn có thể làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bác sĩ Dương Hoàng Đông, Khoa Mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, những ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận hơn 100 ca bệnh đau mắt đỏ/ngày, điều đáng nói là có một số ca đã có biến chứng lên giác mạc. Nguyên nhân là do người bệnh tự mua thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid hoặc đắp lá trầu, đắp nha đam trong nhiều ngày liên tục. “Việc người dân tự ý điều trị, tự mua kháng sinh nhỏ mắt có thể vô tình khiến bệnh đau mắt đỏ nặng hơn và gặp các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Đông cảnh báo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang, kính mắt. Vệ sinh thường xuyên mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý và các loại thuốc nhỏ mắt, mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng./.
- Từ khóa:
- Sở Y tế
- Thành phố Hồ Chí Minh
- thuốc
- điều trị
- đau mắt đỏ