Sức khỏe

Nâng cao kỹ năng cấp cứu ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng cho nhân viên y tế

Sóc Trăng

Trong đại dịch COVID-19, công tác cấp cứu nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn, không ít ca COVID-19 nặng không được cấp cứu, xử trí kịp thời do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về cấp cứu, hồi sức.

TTXVN - Ngày 6/9, tại Sóc Trăng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Sở Y tế Sóc Trăng, Bạc Liêu tổ chức khóa tập huấn về quản lý ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng (SARI) và một số bệnh thường gặp cho hơn 60 học viên là các bác sỹ làm việc tại các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và khoa lâm sàng liên quan... đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế trực thuộc hai Sở Y tế.

Các học viên thực hành tại lớp tập huấn. (Ảnh: Lê Hảo)

Các khóa tập huấn về quản lý cấp cứu ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng (gọi tắt là SARI) đã được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hợp tác với WHO triển khai từ năm 2014. Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, các khóa tập huấn được khởi động trở lại với mong muốn các học viên được nâng cao năng lực về lý thuyết và kỹ năng thực hành cấp cứu các ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và một số bệnh thường gặp.

Tại buổi khai mạc, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thành Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, trong đại dịch COVID-19 công tác cấp cứu trên địa bàn tỉnh nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn, không ít ca COVID-19 nặng không được cấp cứu, xử trí kịp thời do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về cấp cứu, hồi sức.

Các học viên thực hành tại lớp tập huấn. (Ảnh: Lê Hảo)

“Việc cấp cứu tuần hoàn hô hấp là một trong những cấp cứu đòi hỏi sự khẩn trương và chính xác. Bệnh nhân chỉ cần ngưng tim, ngưng thở 4 phút đã để lại di chứng, tổn thương khó hồi phục, thậm chí tử vong. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn xảy ra khắp nơi từ bệnh viện đến ngoài cộng đồng nên việc cung cấp, trang bị kiến thức cho cán bộ y tế vô cùng quan trọng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng thông tin.

Trong 3 ngày từ ngày 6-8/9, các giảng viên là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến cuối như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội; Thạc sĩ Nguyễn Quang Hòa, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương; Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai… cùng đội ngũ các giảng viên Bộ môn Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã hướng dẫn các học viên thực hành trực tiếp.

Các kỹ thuật như cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, thiết lập đường thở cấp cứu, cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao có sử dụng thuốc, máy móc, cấp cứu rối loạn nhịp nhanh và chậm ở người lớn, cấp cứu nhi khoa, cấp cứu sốc phản vệ, cùng với việc thực hành kỹ năng vận hành HFNC - Cài đặt máy thở ban đầu… đã được các chuyên gia hướng dẫn cụ thể.

Với sự biến động và chuyển dịch nhân lực y tế sau đại dịch COVID-19, các chuyên gia mong muốn các lớp tập huấn giải quyết phần nào khó khăn về nhân lực cấp cứu và hồi sức tại các địa phương trước mắt cũng như lâu dài./.

pv

Xem thêm