Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường tiêu hóa và thường xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
TTXVN - Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã có Chỉ thị yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, hạn chế lây lan; đặc biệt không để xảy ra trường hợp tử vong.
Sở Y tế tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các bệnh viện và ở cộng đồng, chuẩn bị cơ sở để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế cần thiết và phác đồ điều trị có hiệu quả. Sở Y tế tham vấn ý kiến các bệnh viện tuyến trên trong điều trị, tập trung cứu chữa bệnh tay chân miệng. Các cơ sở y tế dự phòng giám sát chặt chẽ, đảm bảo kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng, chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, trang thiết bị chuyên dụng sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giúp học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh tay chân miệng. Các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non chú trọng triển khai các biện pháp khử khuẩn làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ để hạn chế phát sinh dịch bệnh...
Các địa phương chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng như: “Chiến dịch rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng”, “Chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng”, “Chiến dịch hỗ trợ xà phòng cho hộ gia đình khó khăn phòng, chống bệnh tay chân miệng”…
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây truyền theo đường tiêu hóa và thường xuất hiện ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng gây thành dịch lớn và hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Ninh Thuận, thời tiết nắng nóng kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển và dễ lây lan ra cộng đồng. Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở nhiều địa phương trong tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh; đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Tính đến ngày 5/9, toàn tỉnh ghi nhận 394 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 10,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, không ghi nhận trường hợp tử vong. Từ cuối tháng 7 đến khoảng cuối tháng 8/2023, tần suất mắc bệnh trung bình tăng cao với 65 trường hợp/tuần, phân bố ở 55/65 xã, phường. Trong đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 118 ca mắc, huyện Ninh Hải 90 ca, huyện Ninh Phước 89 ca, huyện Thuận Nam 41 ca, huyện Ninh Sơn 27 ca, huyện Thuận Bắc 25 ca và huyện Bác Ái là 4 ca. 41 trường hợp nặng có nguy cơ tử vong.
Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận đã gửi các mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang để phân lập virus. Kết quả phát hiện 6 ca dương tính với Enterovirus 71 (EV71) - chủng có độc lực cao, thường gây biến chứng nặng và tử vong./.