Ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung bộ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển.
TTXVN - Ngày 20/1, tại thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp cùng UBND hai tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nêu rõ, ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận thuộc tiểu vùng Nam Trung bộ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển, như: hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biển hải sản, công nghiệp đóng tàu, du lịch biển... Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, có vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và huyện đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng tuy đã từng bước được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thiếu sự liên kết đồng bộ, chưa phát triển thành các hoạt động liên kết thực tế, mang tính chuyên sâu và toàn diện.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Việc triển khai hợp tác, liên kết giữa ba tỉnh cần bám sát định hướng phát triển vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, theo Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch của các tỉnh. Hợp tác phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy giá trị truyền thống văn hóa và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Ba tỉnh cần tập trung các hoạt động liên kết phát triển bền vững kinh tế biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển; hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, trên cơ sở các nội dung ký kết hợp tác, cấp ủy, chính quyền mỗi tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án hợp tác cụ thể để triển khai, bảo đảm mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời phải thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã phát biểu, nêu bật những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, những lĩnh vực, nội dung cần có sự hợp tác, liên kết để đảm bảo tính hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của 3 tỉnh nói chung, mỗi tỉnh nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho rằng, hiện nay quy hoạch của ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sự hợp tác, liên kết là cơ hội góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương và của vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam bày tỏ: Cả ba tỉnh đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy cần hợp tác xây dựng các tour du lịch kết nối giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa là nơi đóng chân của các cơ quan nghiên cứu khoa học, có nhiều kinh nghiệm về hải dương, có các cơ sở đào tạo về kinh tế biển. Vì vậy ba tỉnh cần đẩy mạnh hợp tác phát huy những lợi thế biển, nhất là phát huy hiệu quả trong khai thác các nguồn lợi từ biển, như khai thác, đánh bắt hải sản, hợp tác nuôi biển sâu, đào tạo nguồn nhân lực khai thác nguồn lợi từ biển… Qua đó, cả ba tỉnh phấn đấu trở thành các tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận đã ký kết các biên bản hợp tác song phương về phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh. Nội dung hợp tác bao gồm 7 ngành, lĩnh vực chính: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; văn hóa và du lịch; giao thông vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh - quốc phòng.
Phát biểu tại lễ ký kết giữa các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nêu rõ, Bộ sẽ luôn đồng hành cùng ba tỉnh trong việc xây dựng các chính sách phát triển liên kết vùng; xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ quảng bá hình ảnh của các tỉnh trong vùng cũng như huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và nhà đầu tư tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối… nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu mà các tỉnh đã ký kết hợp tác. Đồng thời, các tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn viện trợ phát triển chính thức, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân… để thực hiện các nội dung hợp tác./.