Xã Kỳ Nam, tỉnh Hà Tĩnh có 153 hộ dân trồng mai. Tổng diện tích gần 7,5ha, với khoảng 37.000 cây. Dự tính, số lượng mai Kỳ Nam cung ứng ra thị trường Tết Giáp Thìn 2024 đạt khoảng 2.000 gốc, tăng gấp đôi so với năm 2023.
TTXVN - Xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, được xem là “thủ phủ” mai vàng của tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 150 hộ trồng loài cây này, tổng diện tích khoảng 7,5 ha. Mỗi năm, những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân xã Kỳ Nam lại tất bật đón khách và thương lái đến tham quan và đặt mua mai vàng.
Nhờ duy trì giống mai vàng bản địa, đời sống người dân xã cực Nam của tỉnh Hà Tĩnh có đổi thay. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây mai.
Truyền thống trồng mai cảnh đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, từ chục năm trở lại đây, người nông dân ở Kỳ Nam mới chú trọng tạo ra những sản phẩm có giá trị, thẩm mỹ và được người chơi mai cảnh đánh giá cao.
Vườn mai của gia đình bà Võ Thị Nở (thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) rộng hơn 1.000m2, trồng hơn 300 gốc mai. Từ những ngày cuối năm 2023, thương lái đã đến tận vườn lựa chọn và đặt hàng những gốc mai đẹp để trưng bày bán phục vụ Tết. Gia đình bà Nở trồng mai đã hơn 8 năm nay, mỗi năm thu về hơn một trăm triệu đồng. Cao điểm như dịp Tết Nguyên đán năm 2023, gia đình bà thu được gần 200 triệu đồng từ tiền bán mai.
Bà Võ Thị Nở chia sẻ, năm nay, thời tiết thuận lợi. Việc tuốt lá mai cũng đã hoàn thành từ giữa tháng 11 âm lịch, dự kiến cây mai sẽ nở đẹp đúng dịp Tết. Nhờ trồng gối vụ luân phiên, năm nào, gia đình bà cũng có hơn 100 gốc mai bán ra thị trường. Năm nay, gia đình có khoảng 200 cây mai có thể xuất bán, với giá từ 2 - triệu đồng/cây. Đặc biệt, nhiều cây mai lâu năm có giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Gia đình chị Bùi Thị Bình (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam) là một trong những hộ dân trồng mai đầu tiên ở Kỳ Nam. Hằng năm, vào đầu tháng 11 âm lịch, các thương lái đã đến đặt hàng và vận chuyển mai về các điểm trưng bày để bán dịp Tết. Các cây mai cổ thụ của gia đình đã được khách hàng đặt mua với giá rất cao, gần 100 triệu đồng/cây.
Ngoài khu vực trồng mai trên diện tích gần 2ha với hơn 4.000 gốc mai đã trưởng thành, gia đình chị Bùi Thị Bình còn sở hữu vườn ươm 6.000 cây mai giống, sẵn sàng cung cấp ra thị trường. Dự kiến năm nay, gia đình chị sẽ xuất bán từ 200 - 350 cây mai vàng 5 cánh. Với giá bán trung bình từ 3-5 triệu đồng/cây, gia đình chị có thể thu về hàng trăm triệu đồng.
Chị Bùi Thị Bình cho biết, mai vàng Kỳ Nam có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, hoa 5 cánh mọc thành chùm, màu sắc hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm; khác biệt so với các loài mai ở vùng khác (lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu hoa đơn). Mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu úng, chịu hạn cao nên rất được người dân ưa chuộng.
Hiện địa bàn xã Kỳ Nam có 153 hộ dân trồng mai. Tổng diện tích gần 7,5ha, với khoảng 37.000 cây. Dự tính, số lượng mai Kỳ Nam cung ứng ra thị trường Tết Giáp Thìn 2024 đạt khoảng 2.000 gốc, tăng gấp đôi so với năm 2023. Cây mai vàng nơi đây không chỉ được ưa chuộng tại tỉnh Hà Tĩnh mà còn được thương lái bán ra nhiều tại các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình…
Ông Nguyễn Trung Tuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kỳ Nam cho biết, cây mai vàng 5 cánh đã trở thành cây thoát nghèo của người dân. Hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả giá trị cây mai vàng, hoàn thiện quy trình nhân giống, chăm sóc và điều khiển cây mai nở hoa đúng dịp Tết với diện rộng, tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cao, thị xã Kỳ Anh phối hợp Sở Khoa học và Công Nghệ Hà Tĩnh triển khai dự án “Tạo lập chỉ dẫn địa lý "Kỳ Nam" dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh” và dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển cây mai vàng tại thị xã Kỳ Anh theo hướng sản xuất hàng hóa". Đây sẽ là cơ sở để địa phương tiến hành quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng mai, tăng việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái./.