HĐND tỉnh Bắc Giang đã thông qua 27 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024- 2025.
TTXVN - Ngày 13/12, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc. Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh Bắc Giang đã thông qua 27 nghị quyết, trong đó có 22 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, nông nghiệp, tài chính, văn hóa, nội vụ... là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024- 2025. Theo đó, Bắc Giang sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đối với sản phẩm tham gia phân hạng, đánh giá lần đầu, tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao, 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao. Đối với sản phẩm tham gia đánh giá nâng hạng, Bắc Giang sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm 3 sao, 60 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao nếu giữ nguyên hạng sao; trường hợp đạt nâng hạng sao sẽ hỗ trợ 150 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 300 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.
Theo HĐND tỉnh, qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, toàn tỉnh có 253 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm được công nhận OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn, tác động tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP còn một số tồn tại, hạn chế như: sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế, ít có sản phẩm chế biến sâu; chưa có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao; số sản phẩm 4 sao có xu hướng giảm; nhiều sản phẩm không tiếp tục tham gia đánh giá lại (năm 2022 có 40% sản phẩm không tham gia đánh giá lại).
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh xác định việc phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp để khơi dậy tiềm năng, lợi thế to lớn của các địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản ở nông thôn.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Bắc Giang cũng thông qua một số Nghị quyết được cử tri quan tâm như: Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết danh mục dự án, công trình cần thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2024; Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố (thay thế Nghị quyết số 45 và Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh); Nghị quyết về việc quyết định chỉ tiêu biên chế công chức trong cơ quan hành chính và phê duyệt tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đề nghị HĐND tỉnh sớm triển khai các hoạt động tiếp xúc cử tri, lan tỏa mạnh mẽ những kết quả đạt được, tiếp thêm động lực, niềm tin, không khí phấn khởi để các cử tri, nhân dân trong tỉnh bước vào năm 2024 với quyết tâm mới. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường bám sát cơ sở, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tìm hiểu, nắm bắt thực tế đời sống của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phát huy tinh thần thẳng thắn trong chất vấn, theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết của các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.
Phát biểu Bế mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương ngay sau kỳ họp cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết vừa thông qua bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để tăng cường giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện các nghị quyết./.