Thời sự

HĐND tỉnh Vĩnh Long thông qua 31 nghị quyết quan trọng

Vĩnh Long

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, các nghị quyết có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các quy định của Trung ương, chủ trương yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Chiều 12/12, Kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với 31 nghị quyết quan trọng được thông qua.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, các nghị quyết có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các quy định của Trung ương, chủ trương yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhiều nghị quyết nổi bật được thông qua như: Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết phê chuẩn dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2024; Nghị quyết về Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024; Phân bổ vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư (PPP); quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh để thực hiện công trình, dự án;...

Kỳ họp còn thông qua nhiều nghị quyết về: Quy định chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khóm, khu; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm, khu; mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm lưu ý, 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. HĐND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, vừa bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, các địa phương, đơn vị tập trung vào các lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế trên cơ sở thúc đẩy các khâu đột phá chiến lược.

Các cấp, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện; khẩn trương hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch vùng, huyện: Quy hoạch bảo tồn lò gạch, gốm Mang Thít, quy hoạch Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch chuyên ngành gắn với việc nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Đồng thời, các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần được phục hồi theo hướng tích cực, ước cả năm 2023 tăng hơn 2,6% và hoàn thành 18/21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 41.479 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách 6.127 tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 759,5 triệu USD, đạt 101,2% kế hoạch…

Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 3.151 tỷ đồng và 15,81 triệu USD. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 74/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 28 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, 2024 là năm cần tăng tốc bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Theo đó, tỉnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển du lịch.

Tỉnh thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 6,5%; GRDP bình quân đầu người 83,7 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu 780 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 19.000 tỷ đồng…

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Vĩnh Long khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Duy và Giám đốc Sở Công Thương Trần Nhựt Thanh./.

Phạm Minh Tuấn

Tin liên quan

Xem thêm