Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhà an toàn trước thiên tai đối với các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai, ổn định cuộc sống.
TTXVN - Việt Nam khẳng định luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân nhất là người dân thuộc hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (khuyết tật, già cả, neo đơn...). Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.
*Cải thiện sinh kế cho người dân
Sau 3 năm xảy ra thảm họa sạt lở ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, địa phương đã cơ bản ổn định được cuộc sống cho đồng bào. Huyện Nam Trà My tiếp tục được đầu tư xây dựng mới thêm 3 khu tái định cư tập trung.
Chị Hồ Thị Lăng (người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) đang được ở trong ngôi nhà chắc chắn ở khu tái định cư tập trung tại thôn Bằng La; được hỗ trợ nhiều đồ dùng sinh hoạt, lương thực, cây con giống để phát triển kinh tế. Chị Lăng chia sẻ, cuộc sống của bà con nơi đây khá hơn nhiều so với nơi ở cũ, giao thông thuận lợi hơn. Khu tái định cư được xây dựng ở khu đất bằng phẳng, người dân không phải lo sạt lở núi.
Ba năm qua (từ năm 2020 - 2023), từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 650 tỷ đồng xây dựng 45 khu tái định cư bố trí chỗ ở cho gần 7.000 hộ đồng bào, trong đó có hơn 2.000 gia đình ở những khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở núi cao. Với nguồn vốn này, những hộ tái định cư được hỗ trợ kinh phí làm nhà, lương thực trong những tháng đầu. Phần lớn kinh phí còn lại được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện sinh hoạt, công trình nước sạch, đường giao thông nội vùng, trường học, hỗ trợ đồng bào khai hoang tạo quỹ đất sản xuất.
Gia đình chị Ngô Thị Tin, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, không còn lo lắng bởi đã có nhà chống lũ được hỗ trợ xây dựng khá kiên cố. Với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng, gia đình chị được Dự án nhà chống lũ của Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững hỗ trợ một nửa. Số tiền còn lại chị vay mượn thêm và xây dựng được một ngôi nhà kiên cố để chống bão.
Chị Tin cho biết, nhiều năm trước, cứ mưa lũ là nước dâng ngập nhà, cả gia đình chị rất lo lắng, thường thức trắng đêm và phải sơ tán đi nơi khác để được an toàn. Đợt lũ mới đây, khi nhiều nơi ngập lút mái nhà, gia đình chị vẫn yên tâm và an toàn khi sống trong nhà chống lũ. Từ đó, cuộc sống của người dân ổn định hơn.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhà an toàn trước thiên tai đối với các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai, ổn định cuộc sống.
Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định để hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai có điều kiện ổn định hơn để đảm bảo cuộc sống như: Quyết định 48/2014/QĐ -TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lũ khu vực miền Trung; Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 714/QĐ-TTg; Quyết định số 590/QĐ/TTg, ngày 18/5/2022 về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030... Từ chủ trương trên, nhiều người dân trong đó có những người dân nơi rốn lũ miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn.
*Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, cần thay đổi từ tư duy khắc phục thiệt hại sang chủ động ứng phó, xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng.
Tại tỉnh Quảng Nam, năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi, phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các hộ nghèo theo chuẩn nghèo được pháp luật quy định, hộ chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, chưa kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà… Ưu tiên hỗ trợ đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (khuyết tật, già cả, neo đơn...); hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ; hộ gia đình còn lại.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay để triển khai thực hiện sẽ giúp người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách có cuộc sống an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, tái thiết nhà cửa sau thiên tai là rất cần thiết. Với tinh thần “xây lại tốt hơn”, an toàn hơn, tiện lợi hơn, rẻ hơn, cần làm rõ việc xây dựng nhà ở an toàn phòng, chống thiên tai có đáp ứng khả năng chi trả của người dân hay không; cần điều chỉnh, bổ sung chính sách để Nhà nước hỗ trợ tốt nhất cho người dân cải tạo, xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai và về lâu dài phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà vùng bão, lũ.
Trong giai đoạn vừa qua, khoảng hơn 20 nghìn hộ dân đã được hỗ trợ về nhà ở. Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát, số lượng hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở phòng tránh thiên tai khu vực 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam khoảng hơn 30.000 hộ. Để tiếp tục chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, ngày 1/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa.
Với phương châm "Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa", góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa lũ của các bộ, ngành, địa phương, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh thông qua Bộ chỉ số.
Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và chú trọng thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; đẩy mạnh thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai.../.