Văn hóa

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga

Tượng Nữ thần Durga 4 tay, niên đại vào thế kỷ VII còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa.

Đại biểu thực hiện nghi thức công bố, tiếp nhận hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Ngày 28/8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, tháng 8/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ phối hợp với Cảnh sát Đô thành London (Vương quốc Anh) tịch thu pho tượng đồng Nữ thần Durga, có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ án buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất khả năng trao trả cổ vật này về Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và xác định tượng đồng Nữ thần Durga mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc Champa giai đoạn sớm (thế kỷ VII), có giao lưu, ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc với văn hóa Óc Eo giai đoạn muộn.

Căn cứ các quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép tiếp nhận, hồi hương cổ vật tượng đồng Nữ thần Durga từ các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh và giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiếp nhận, vận chuyển pho tượng từ vương quốc Anh về Việt Nam lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng; đồng thời có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh về việc xác nhận tượng đồng Nữ thần Durga là của Việt Nam và ủy quyền Đại sứ quán thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận cổ vật từ đại diện Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ và Cảnh sát Đô thành Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Tượng đồng Nữ thần Durga.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Ngày 13/9/2023, đại diện Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, Cảnh sát Đô thành Luân Đôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giao tượng đồng Nữ thần Durga cho Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Lễ bàn giao được diễn ra tại Công ty Constantine, Luân Đôn, vương quốc Anh, nơi pho tượng đang được lưu giữ sau khi bị tịch thu và đưa đến Công ty Constantine từ ngày 17/7/2023.

Tháng 1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử đoàn công tác sang Vương quốc Anh để thực hiện nhiệm vụ đánh giá thực trạng, chuẩn bị thủ tục bàn giao và giám sát đóng gói, thống nhất phương án vận chuyển tượng đồng Nữ thần Durga từ Vương quốc Anh về Việt Nam.

Sau khi hoàn tất các thủ tục xin cấp phép xuất khẩu, thủ tục hải quan, ngày 21/2/2024, tượng được vận chuyển từ Vương quốc Anh về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam). Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau rất nhiều nỗ lực của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhà tài trợ Đào Danh Đức, Nguyễn Ngọc Thúy cùng sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, ngày 18/6/2024, tượng đồng Nữ thần Durga đã được vận chuyển an toàn về lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khách tham quan chiêm ngưỡng tượng đồng Nữ thần Durga.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Ngày 24/6/2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị của tượng. Hội đồng xác định: Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101 kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa.

Hội đồng thẩm định đánh giá, đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Với những giá trị đặc biệt, quý hiếm, tượng đồng Nữ thần Durga đang được Bảo tàng lưu giữ trong kho đảm bảo an ninh, an toàn cũng như điều kiện, tiêu chuẩn, môi trường bảo quản đặc biệt.

Phát biểu tại lễ công bố tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Việc tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga là thành quả của sự phối hợp tích cực từ phía Hoa Kỳ trong các đợt trao trả cổ vật cho Việt Nam và là một trong những sự kiện tiêu biểu cho dấu mốc 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh đã kịp thời phối hợp và tạo điều kiện các thủ tục liên quan để đưa được tượng đồng xuất cảnh trở về Việt Nam, được đánh giá là một trong những hoạt động nổi bật trong hợp tác Việt Nam-Vương quốc Anh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).

Tượng Nữ thần Durga 4 tay, niên đại vào thế kỷ VII có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, những cổ vật của Việt Nam được tiếp nhận, hồi hương trong thời gian qua là kết quả hợp tác, trao đổi thông tin trong nhiều năm, là sự nỗ lực của Việt Nam cũng như các quốc gia liên quan, đặc biệt là Hoa Kỳ, trên tinh thần tuân thủ các điều ước quốc tế trong đó có Công ước của UNESCO về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ: Việc tiếp nhận cổ vật tượng đồng Nữ thần Durga về Việt Nam đã kịp thời bổ sung và xây dựng các sưu tập hoàn chỉnh để giới thiệu về tính thống nhất, đa dạng của lịch sử, văn hóa Việt Nam, phục vụ tốt hơn việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, là việc làm thiết thực cho chính sách hồi hương cổ vật, chống thất thoát di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, sau khi công bố, tượng đồng Nữ thần Durga sẽ được hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bảo quản và tiếp tục nghiên cứu để trưng bày, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước trong thời gian tới./.

Phương Lan

Xem thêm