Văn hóa

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng

Bình Phước

Tại Bình Phước, nhiều hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng đã được triển khai.

Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Bù Đăng hiện có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người S’tiêng đã sinh sống lâu đời ở vùng đất này. Với những đặc điểm riêng biệt trong ngôn ngữ, trang phục truyền thống, phong tục tập quán và nghệ thuật, đồng bào S’tiêng đã góp phần tạo dựng nền văn hóa phong phú cho địa phương.

*Lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử

Đồng bào S’tiêng có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú, trong đó “Tiếng chày giã gạo trên Sóc Bom Bo” vừa mang biểu tượng nghệ thuật, vừa phản ánh quá trình lao động sản xuất đặc trưng của người dân sinh sống lâu đời ở vùng đất trồng lúa trên nương rẫy, giã gạo bằng chày. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống, rượu cần đã được tạo ra từ lâu và sử dụng phổ biến trong các lễ hội, hoạt động quan trọng của gia đình. Bên cạnh đó, các lễ hội phá bàu, mừng lúa mới là những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc còn duy trì và phát triển đến ngày nay…

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bù Đăng Vũ Đức Hoàng, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách, hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc S'Tiêng. Việc này không chỉ mang lại niềm tự hào cho cộng đồng mà còn là nguồn cảm hứng, đóng góp tích cực vào sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Năm 2011, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại thôn 1, xã Bình Minh được xây dựng – trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Đến năm 2018, Khu Bảo tồn được chuyển giao về cho UBND huyện Bù Đăng quản lý.

Thời gian qua, nhiều hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng được triển khai. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đã tổ chức truyền dạy về bảo tồn, phát huy “Kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống của người S’tiêng”. Gần 150 học viên được áp dụng lý thuyết đi đôi với thực hành, được hướng dẫn và trải nghiệm cách làm men rượu từ nguyên liệu tự nhiên như vỏ, lá các loại cây rừng...; kỹ thuật làm rượu cần truyền thống đúng tiêu chuẩn, đảm bảo thơm, ngon, đậm đà hương vị.

Phục dựng Lễ hội Kết bạn cộng đồng của đồng bào S'tiêng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

UBND huyện Bù Đăng tổ chức phục dựng lễ hội kết bạn cộng đồng của đồng bào dân tộc S’tiêng. Việc này là hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện cho đồng bào giao lưu, đoàn kết hơn. Ban tổ chức cũng hướng đến việc triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng để du khách trải nghiệm; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân cùng bảo vệ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Ông Điểu Khang, người có uy tín trong đồng bào (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng) chia sẻ, kết bạn cộng đồng là lễ hội truyền thống của đồng bào S’tiêng. Trải qua thời gian dài, lễ hội đã dần mai một, nhiều con em đồng bào hầu như không biết hoặc chỉ nghe nói về lễ hội. Do đó, chính quyền địa phương phục dựng lễ hội tại Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, góp phần thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào S’tiêng.

Nghệ nhân dân gian Điểu S’roi (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) rất vui mừng khi chính quyền địa phương phục dựng lễ hội kết bạn cộng đồng nhằm “đánh thức” các giá trị văn hóa đặc sắc đang dần bị mai một. Ông hy vọng hoạt động sẽ lan tỏa tinh thần gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc trong đồng bào.

*Gia tăng các giá trị thổ cẩm bằng tơ lụa

Các nghệ nhân đồng bào S'tiêng trình diễn đánh cồng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, du khách rất ấn tượng khi tham quan khu vực trưng bày chiếc khung dệt vải. Bởi lẽ, chỉ từ khung dệt đơn giản đã tạo ra vô số bộ trang phục lễ hội rực rỡ sắc màu, hoa văn. Theo các nghệ nhân dệt thổ cẩm, phụ nữ S’tiêng phải mất một hoặc vài tháng dệt thủ công mới hình thành một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh. Đây chính là nét đẹp văn hóa tạo nên bản sắc của đồng bào.

Bà Điểu Thị Xia, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: Những đồ vật được lưu trữ tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã mang lại cái nhìn mới cho các thế hệ sau khi tham quan tại đây. Bà cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, kế thừa văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bà sẽ tiếp tục phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa này và truyền lại cho các thế hệ sau.

Mới đây, tại chương trình “Ngày mới trên sóc Bom Bo”, lần đầu tiên 70 bộ trang phục từ những tấm thổ cẩm được các bà, các mẹ người S’tiêng dày công dệt đã được nhà thiết kế Minh Hạnh đưa lên sân khấu cùng các mẫu thời trang thổ cẩm do bà tự thiết kế. Nhà thiết kế chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực làm con đường liên kết, gắn bó để gia tăng các giá trị thổ cẩm của đồng bào bằng tơ lụa. Chỉ như vậy, người dệt mới có được niềm tin, hy vọng để tiếp tục giữ gìn và bảo tồn giá trị thổ cẩm”.

Những bộ trang phục thổ cẩm đủ sắc màu, là sản phẩm truyền thống, dệt thủ công của đồng bào S’tiêng lần đầu tiên được nhà thiết kế Minh Hạnh đưa lên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp. 
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, 70 bộ trang phục thổ cẩm được nghệ nhân các làng nghề chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng để mỗi bộ trang phục chính là đại diện cho khát vọng vươn xa của thổ cẩm Bình Phước, không chỉ ở trong nước mà còn ra quốc tế, có cơ hội lên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp.

Công chúng cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp truyền thống của thổ cẩm và sự kết hợp tinh tế với thời trang hiện đại. Thổ cẩm được đưa vào đời sống đương đại, mở ra cơ hội thương mại hóa giúp nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo, nâng cao giá trị kinh tế, vị thế văn hóa của Bình Phước trên bản đồ thời trang Việt Nam và thế giới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư sửa chữa, nâng cấp những hạng mục, công trình có liên quan đến truyền thống và di sản văn hóa của người S’tiêng như nhà dài truyền thống, nhà đón tiếp, nhà sinh hoạt cộng đồng…; xây dựng làng nghề truyền thống để tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc S’tiêng. Huyện mời gọi các nhà đầu tư đến với Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu và xây dựng phương án đầu tư. Huyện tập trung xây dựng khu Bảo tồn trở thành điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn gắn với bảo tồn văn hóa lịch sử, tạo điểm nhấn và bước đột phá về phát triển du lịch của huyện.

Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng Phạm Anh Tuấn thông tin: Vừa qua, tại hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất” tại Thành phố Hồ Chí Minh, công trình kiến trúc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được lập quy hoạch tổng thể, thuộc nhóm tác giả đến từ Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam do Chi hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Phước giới thiệu, được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Ban Quản lý tiếp tục sưu tầm hiện vật, phục dựng lễ hội truyền thống của người S’tiêng, xây dựng các đội văn nghệ dân gian, đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, sửa chữa nhà dài… Đơn vị chỉnh trang, bổ sung hiện vật, sửa chữa các hạng mục công trình, đồng thời xây dựng văn hóa, tác phong phục vụ chuyên nghiệp nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách đến tham quan…/.


Nhật Bình – K GửiH

Tin liên quan

Xem thêm