Ban quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Khu bảo tồn biển tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp; ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản gần bờ, trong vùng quy hoạch bảo tồn.
Nguồn lợi thủy sản ven bờ tỉnh Quảng Ngãi những năm gần đây đang cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở tại các vùng biển ven bờ nhằm bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân, phát triển nghề cá bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, vùng biển Quảng Ngãi có đa dạng sinh học cao, với 1.298 loài thủy sản, trong đó, có 36 loài nguy cấp, quý hiếm. Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Quảng Ngãi là 83.654 tấn, trong đó, vùng biển ven bờ khoảng 28.079 tấn và vùng lộng khoảng 55.575 tấn. Tuy nhiên, hàng năm, tổng sản lượng khai thác thực tế vùng ven bờ của tỉnh lên đến hơn 91.000 tấn, vùng ven bờ gần 48.500 tấn.
Các loài thủy sản bị xâm hại nguồn lợi ở mức cao từ 69-97% gồm: Cá nục thuôn, tôm sắt cứng, tôm đanh chân dài, cá sòng gió, cá trích xương, cá cơm sọc xanh, cá đù, ghẹ 3 chấm… Đặc biệt, sau mùa sinh sản, tỷ lệ thủy sản vùng ven bờ bị xâm hại là tuyệt đối, nghĩa là 100% thủy hải sản bị đánh bắt đều nhỏ hơn kích thước cá sinh sản lần đầu, nhất là các loài cá nổi.
Ở vùng lộng, mức độ khai thác xâm hại nguồn lợi tương tự với tỷ lệ vùng biển ven bờ. Các nghề có mức xâm hại nguồn lợi cao điển hình là nghề pha xúc, vó mành, nghề chụp, lưới kéo đơn và lưới kéo đôi, lưới vây, lưới rê và lồng xếp.
Ngư dân Lê Công Thắng, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết, nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt nhiều. Nhà nước cần có chính sách phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ để người dân vùng biển có sinh kế bền vững.
Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười cho biết, qua điều tra, đánh giá, nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Quảng Ngãi đang suy giảm, nhiều khu vực cạn kiệt. Vùng ven bờ Quảng Ngãi chịu áp lực khai thác cao, vượt quá mức cho phép và ảnh hưởng đến nguồn lợi, đặc biệt các nhóm hải sản có giá trị kinh tế.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản thông báo cấm có thời hạn khai thác thủy sản ven bờ khu vực vùng biển phía Nam đảo Lý Sơn và vùng ven biển thị xã Đức Phổ. Hai vùng cấm khai thác rộng hơn 15ha. Thời gian cấm khai thác đối với 2 vùng được duy trì từ ngày 1/11 đến 30/11 hằng năm. Đây là 2 vùng biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 9/5/2024 về quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị, các địa phương ven biển Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi thực hiện, thông báo rộng rãi cho người dân, đặc biệt chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên biết 2 khu vực cấm khai thác thủy sản này. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình khai thác thủy sản nhằm bảo vệ nguồn sinh kế lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, vùng biển Nam huyện Lý Sơn có điều kiện thuận lợi, lý tưởng thủy sản đẻ trứng, sinh nôi nảy nở. Để thực hiện hiệu quả bảo tồn nguồn lợi thủy sản, Lý Sơn đã quy hoạch Khu bảo tồn biển rộng gần 8.000 ha.
Ban quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp lực lượng của Khu bảo tồn biển tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản gần bờ, trong vùng quy hoạch bảo tồn. Huyện Lý Sơn triển khai quyết liệt ngăn chặn hành vi khai thác tận diệt khu vực ven bờ nhằm góp phần bảo vệ, tạo đa dạng sinh học vùng ven bờ đảo.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, các vùng biển nằm trong vùng cấm khai thác là bãi đẻ, nơi tập trung sinh sản của các loài thủy sản.
“Mục đích của chúng ta là bảo vệ bãi đẻ, bảo vệ các loài thủy sản non. Nếu bảo tồn tốt, bảo vệ được trong thời gian sinh sản của các loài thủy sản đây sẽ là nguồn bổ sung, phân tán thủy sản ra các vùng biển khác, đảm bảo phục hồi nguồn lợi thủy sản của tỉnh”, ông Mười nhấn mạnh./.
- Từ khóa:
- Quảng Ngãi
- bảo vệ
- nguồn lợi thủy sản
- ven bờ