Xã hội

Bắt nhịp chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực

Nghệ An

Bắt nhịp xu hướng, Nghệ An đang linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; giao dịch điện tử trong thanh toán học phí, lệ phí; học bạ số; sử dụng Thẻ bảo hiểm y tế số VssID, dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh từ xa… không còn xa lạ với người dân ở Nghệ An. Bắt nhịp xu hướng, mỗi người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các ban ngành trên địa bàn tỉnh đang linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

* Bắt nhịp chuyển đổi số

Hướng tới xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, cả hệ thống chính trị xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) đã vào cuộc nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số. Chính quyền tập trung đầu tư trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu dân cư trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện số hóa hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công. Địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, thành lập Tổ công nghệ cộng đồng xã/xóm; hướng dẫn cán bộ, công chức về dịch vụ công trực tuyến.

Hướng dẫn người dân lấy số, cập nhật thông tin khám chữa bệnh trên thiết bị điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
 Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trong 3 năm thực hiện chính quyền số, 100% hồ sơ được tiếp nhận và xử lý tại Bộ phận một cửa; 100% hồ sơ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật đầy đủ thông tin; trên 90% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính/thủ tục hành chính liên thông được luân chuyển đúng quy trình điện tử đã được cấu hình trên hệ thống một cửa điện tử của xã, huyện, tỉnh.

Ông Nguyễn Định Cường, công chức Văn hóa xã hội UBND xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) cho biết, việc thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Nhờ đẩy mạnh số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, Khánh Hợp đã từng bước thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa. Qua đó, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, kinh tế số.

Bên cạnh chuyển biến về thể chế, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp, người dân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, người tiêu dùng dần có thói quen không sử dụng tiền mặt trong giao dịch hằng ngày. Các hình thức giới thiệu, quảng bá hàng hóa, sản phẩm trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook được đẩy mạnh. Những thay đổi lớn về nhận thức đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Học bạ số tại tỉnh Nghệ An giúp phụ huynh tra cứu thông tin, kết quả học tập của con mình. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Xu hướng chuyển đối số là yêu cầu tất yếu trên tất cả lĩnh vực hiện nay. Ở lĩnh vực Giáo dục, học bạ số đã được triển khai tại các trường học những năm học qua, phát huy nhiều hiệu quả. Tranh thủ không có giờ lên lớp, cô giáo Nguyễn Thanh Vân (Trường Trung học cơ sở Trung Đô, thành phố Vinh) vào điểm cho học sinh trên phần mềm VnEdu, là phần mềm tích hợp nhiều công cụ như sổ liên lạc, giáo án và đặc biệt là học bạ. Với các thầy cô giáo, học bạ số hỗ trợ rất nhiều trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cuối kỳ, cuối năm học. “So với thời điểm sử dụng học bạ giấy thì nó nhanh hơn, cập nhật chính xác, tiết kiệm thời gian cho giáo viên; qua đó giáo viên học hỏi được nhiều về công nghệ”, cô Vân cho biết.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục, giáo viên trên địa bàn Nghệ An đều hưởng ứng tích cực việc triển khai học bạ số, giúp giảm áp lực về ghi chép, quản lý hồ sơ. Các nhà trường tích cực tham mưu và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để bổ sung các trang thiết bị, phòng máy, đường truyền... Từ đó, đáp ứng yêu cầu cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu ngành nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, ngành đã tổ chức nhiều đợt tập huấn triển khai, hướng dẫn cụ thể tới 100% cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường. Qua đó giúp các đơn vị hiểu rõ về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và những lợi ích của việc triển khai học bạ số cũng như các hồ sơ số khác; đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống đường truyền, hệ thống máy tính bảo đảm các yêu cầu, thông số kỹ thuật phục vụ các thầy, cô trong quá trình thực hiện.

Cùng với Giáo dục, ngành Y tế Nghệ An cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển y tế thông minh để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã tiên phong triển khai bệnh án điện tử. Đây là bước ngoặt lớn trong hành trình chuyển đổi số y tế. Bệnh án điện tử giúp quy trình khám, chữa bệnh được nhanh chóng, chính xác và thuận tiện; người bệnh dễ dàng theo dõi quá trình khám, chữa bệnh, bác sĩ có thể truy cập và quản lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.

* Hướng đến xã hội số

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025.

Kế hoạch ưu tiên nhiệm vụ chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương. Cụ thể, ưu tiên chuyển đổi số trong phát triển chính quyền số, đặc biệt là cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Giáo dục, y tế, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường; ưu tiên chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến xã hội số.

Quét QR để thanh toán không dùng tiền mặt. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp gần 3 triệu Căn cước công dân và kích hoạt gần 2 triệu hồ sơ định danh điện tử. Tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Trong tháng 9/2024, toàn tỉnh đã số hóa 83.000 bộ hồ sơ, thủ tục hành chính khi tiếp nhận (đạt gần 92%).

UBND tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận các hồ sơ qua cổng dịch vụ công. Tỉnh phấn đấu số hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên tổng số hồ sơ đạt trên 45%; tối thiểu 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thiện và đưa vào sử dụng kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị khai thác và sử dụng.

Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tỉnh cần phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng; hoàn thiện, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số với phương châm 4.0 như: Làm việc không giấy tờ, họp không gặp mặt tập trung, giao dịch trực tuyến không gặp mặt và thanh toán không tiền mặt.

Cùng với đào tạo nâng cao năng lực cán bộ công chức về công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số, các ngành, địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước như: trang thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng mạng LAN, mạng internet tốc độ cao… Tỉnh triển khai số hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống dùng chung, hệ thống chuyên ngành trọng điểm; đồng thời khai thác và vận hành tốt các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ quản lý điều hành và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số./.

Bích Huệ

Tin liên quan

Xem thêm