Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chuyển hầu hết hoạt động khám, chữa bệnh sang cơ sở 2
Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 được chính thức khởi công ngày 26/6/2016 với quy mô 1.000 giường bệnh và bắt đầu đưa vào hoạt động 1 phần từ ngày 12/10/2020.
TTXVN - Bắt đầu từ tháng 2/2023, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chuyển toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh về cơ sở 2 tại địa chỉ đường 400, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức. Điều này mở ra triển vọng hết cảnh quá tải, 3-4 bệnh nhân cùng nằm một giường bệnh tồn tại hàng chục năm nay tại bệnh viện ung bướu tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh chấm dứt.
Sáng 3/2, anh Phan Văn Hải (ngụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đưa mẹ vào Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để khám ung thư vú. Chứng kiến hình ảnh cơ sở 2, anh Hải hơi bất ngờ khi bệnh viện mới đẹp, khang trang và thoáng mát, khác xa với cơ sở 1. Trước Tết, mẹ anh khám ở cơ sở 1 và được hẹn tái khám sau Tết ở cơ sở 2. “Ở bên này thoáng mát nên dù có đông thì việc phải chờ đợi cũng không thấy mệt mỏi như bên cơ sở 1”, anh Hải chia sẻ.
Tương tự, đang chăm chồng hậu phẫu ung thư trực tràng tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, bà Nguyễn Thị Chờ (ngụ tỉnh Bến Tre) nhận xét: “Lần trước chồng tôi mổ và nằm điều trị ở cơ sở 1, chật chội, nóng nực lắm; lần này nằm ở cơ sở 2, phòng ốc sạch đẹp, mát mẻ hơn rất nhiều”.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau Tết Nguyên đán, toàn thể nhân viên y tế của Bệnh viện đã được lệnh di dời đến nơi làm việc mới tại cơ sở 2. Đến thời điểm này gần như tất cả khoa lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chức năng đã dời đến cơ sở mới. Do đó, toàn bộ hoạt động chuyên môn, các kỹ thuật phẫu, hóa, xạ trị, điều trị nội trú đều thực hiện tại cơ sở 2. Cơ sở 2 cũng đã đưa vào hoạt động 16 phòng mổ hiện đại, công suất hoạt động gần như đã đạt 100%. Trong những ngày đầu tiên, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ hơn 2.000 lượt người khám, chữa bệnh. Hiện cơ sở 1 (tại địa chỉ số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) chỉ còn một bộ phận khám, tầm soát phát hiện ung thư và xử trí cấp cứu về mặt ung bướu cho người bệnh khu vực nội thành.
Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, việc chuyển toàn bộ hoạt động về cơ sở mới đã được Sở Y tế và lãnh đạo bệnh viện quán triệt từ nhiều tháng nay. Hầu hết nhân viên đều vui mừng vì được làm việc trong môi trường mới khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị hiện đại. “Vui nhất là không còn chứng kiến cảnh bệnh nhân phải chen chúc trên 1 giường bệnh, bây giờ bệnh nhân được nằm 1 giường, phòng 3-4 người, có máy lạnh, có nhà vệ sinh riêng. Với cơ sở này, bệnh nhân có không gian yên tĩnh, được phục vụ tốt nhất về chuyên môn, chúng tôi cũng sẽ cải thiện việc giao tiếp, ứng xử giữa nhân viên y tế và người bệnh”, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh chia sẻ.
Mặc dù khi chuyển đến cơ sở 2 nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do phải di chuyển quãng đường khá xa nhưng lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định chi hỗ trợ chi phí đi lại cho mỗi nhân viên y tế 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ từng bước tổ chức các hoạt động để tăng thêm nguồn thu nhập của nhân viên y tế giúp họ yên tâm công tác, phát huy tinh thần chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 được chính thức khởi công ngày 26/6/2016 với quy mô 1.000 giường bệnh và bắt đầu đưa vào hoạt động 1 phần vào ngày 12/10/2020. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện Hồi sức COVID-19, là nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng của Thành phố. Bắt đầu từ tháng 2/2023, Bệnh viện chính thức vận hành cơ sở 2 bên cạnh cơ sở 1 tại số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.
Với cơ sở mới, bên cạnh các trang thiết bị hiện đại thì thời gian chờ mổ, chờ xạ trị, hóa trị… cũng sẽ được rút ngắn dần so với trước đây; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn, hướng đến đóng góp xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN./.